SCMP dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nói hôm qua rằng các tranh chấp lãnh thổ nên được giải quyết bằng đàm phán giữa những quốc gia trực tiếp liên quan.
"Các quốc gia ngoài cuộc nên tôn trọng sự thật khách quan đồng thời có thái độ công bằng về tranh chấp hơn là khuấy động căng thẳng, gây chia rẽ và khiến tình hình phức tạp", ông Hồng nói.
Trung Quốc lâu nay nhấn mạnh quan điểm giải quyết song phương với các nước có tranh chấp chủ quyền, bất chấp thực tế là các tranh chấp, như ở Biển Đông chẳng hạn, liên quan đến nhiều quốc gia. Quan điểm tay đôi cũng là một trở ngại khiến tiến trình đàm phán để đi đến bộ quy tắc ứng xử Biển Đông giữa nước này với ASEAN rất chậm chạp.
Lời lẽ của ông Hồng được đưa ra sau khi lãnh đạo các quốc gia công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới G7, trong đó có Mỹ và Nhật Bản, hôm 4/6 bày tỏ lo ngại về căng thẳng trên Biển Đông và biển Hoa Đông. Trong thông báo, G7 còn kêu gọi các bên liên quan làm rõ các tuyên bố và giải quyết tranh chấp theo luật pháp quốc tế.
"Chúng tôi phản đối nỗ lực đơn phương của bất kỳ bên nào muốn sử dụng biện pháp đe dọa, ép buộc hay vũ lực để khẳng định tuyên bố chủ quyền hoặc hàng hải", thông báo cho biết.
Trung Quốc có tranh chấp với Nhật Bản về chủ quyền đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông, do Tokyo quản lý trên thực tế. Hai nước thường xuyên điều các tàu và máy bay tới khu vực trên, khiến các nhà quan sát lo ngại tranh chấp đảo sẽ trở thành tia lửa dẫn tới một cuộc xung đột vũ trang.
Trên Biển Đông, Trung Quốc cũng có tuyên bố chủ quyền chồng lấn với 4 quốc gia ASEAN là Philippines, Việt Nam, Malaysia và Brunei. Căng thẳng trên Biển Đông lên cao trong thời gian gần đây khi Bắc Kinh có những động thái ngày càng mạnh nhằm khẳng định chủ quyền phi lý với phần lớn diện tích vùng biển này.
Như Tâm