Lãnh đạo các quốc gia thuộc G7 bày tỏ quan ngại sâu sắc về căng thẳng trên Biển Đông và biển Hoa Đông, AFP dẫn thông báo được phát đi sau ngày làm việc đầu tiên của G7 ở Brussels. Các nhà lãnh đạo phản đối việc sử dụng vũ lực trong khu vực.
"Chúng tôi phản đối nỗ lực đơn phương của bất kỳ bên nào muốn sử dụng biện pháp đe dọa, ép buộc hay vũ lực để khẳng định tuyên bố chủ quyền hoặc hàng hải", thông báo cho biết. Bản thông báo, không nêu tên trực tiếp quốc gia nào, kêu gọi các bên giải quyết tranh chấp theo luật pháp quốc tế.
Trung Quốc có tranh chấp với Nhật Bản về chủ quyền đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông, do Tokyo quản lý trên thực tế. Hai nước thường xuyên điều các tàu và máy bay tới khu vực trên, khiến các nhà quan sát lo ngại tranh chấp đảo sẽ trở thành tia lửa dẫn tới một cuộc xung đột vũ trang.
Trên Biển Đông, Trung Quốc cũng có tuyên bố chủ quyền chồng lấn với 4 quốc gia ASEAN là Philippines, Việt Nam, Malaysia và Brunei. Căng thẳng trên Biển Đông lên cao trong thời gian gần đây khi Bắc Kinh có những động thái ngày càng mạnh nhằm khẳng định chủ quyền phi lý với phần lớn diện tích vùng biển này. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuch Hagel hôm 31/5 cáo buộc Trung Quốc có "những hành động gây bất ổn" trên Biển Đông.
Trong một diễn biến khác, các lãnh đạo G7 cũng cảnh báo sẽ áp đặt những biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn đối với Nga nếu Moscow không giúp khu vực miền đông Ukraine ổn định trở lại.
Mỹ cùng Liên minh châu Âu đã áp đặt các lệnh cấm đi lại và đóng băng tài sản đối với hàng chục quan chức Nga nhằm đáp trả việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea.
Hội nghị thượng đỉnh G7 được tổ chức tại Brussels, Bỉ trong hai ngày 4 và 5/6. Đây là lần đầu tiên Nga không tham gia họp thượng đỉnh nhóm các nước công nghiệp phát triển kể từ năm 1997.
Như Tâm