Trước sự kiện người Anh bỏ phiếu quyết định rời Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit, Trung Quốc khá "im hơi lặng tiếng". Có lẽ nguyên nhân bởi Bắc Kinh mang một tâm lý hoang mang rằng họ đang đối diện với nguy cơ đánh mất đi người bạn tốt nhất tại EU, theo Washington Post.
Tham vọng của Trung Quốc về việc tăng cường các hoạt động thương mại tự do hơn với châu Âu phải chịu một tổn thất, trong khi đó, các khoản đầu tư của Trung Quốc vào Vương quốc Anh bắt đầu trở nên kém hấp dẫn hơn trước.
"Giới lãnh đạo Vương quốc Anh luôn nói họ sẽ là những người thúc đẩy cho lợi ích Trung Quốc ở phương Tây và EU", một nhà ngoại giao tại Bắc Kinh cho biết. "Đây thực sự là một tin xấu cho Trung Quốc".
Ngay sau cuộc trưng cầu dân ý ở Anh, báo Global Times của Trung Quốc đã có những bình luận châm biếm. Họ không bỏ qua cơ hội chế nhạo ý tưởng tham khảo ý kiến người dân về cách thức điều hành đất nước, cũng như chế nhạo người Anh vì cho thấy "lối suy nghĩ thất bại".
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tháng 10 năm ngoái có chuyến thăm cấp nhà nước đến Anh, đề cập tới "kỷ nguyên vàng" trong mối quan hệ giữa hai quốc gia. Ông tuyên bố rõ ràng rằng Trung Quốc muốn Anh ở lại EU.
Lý do là vì "những năm gần đây, London thường vào vai người ủng hộ các lợi ích thương mại và kinh tế của Trung Quốc tại Brussels", Jan Gaspers, trưởng bộ phận nghiên cứu tại Viện Trung Quốc học Mercator ở Berlin, Đức, đánh giá. "Trong khi đó, hai đối tác quan trọng khác của Trung Quốc tại châu Âu là Đức và Pháp hiện chưa có vẻ gì là muốn nghiêng về một bên cụ thể nào".
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk dự kiến tới Bắc Kinh vào ngày 13/7 để gặp thượng đỉnh thường niên với Trung Quốc.
Đứng đầu bảng trong chương trình nghị sự của Bắc Kinh là chiến dịch vận động để được EU công nhận "có nền kinh tế thị trường", một động thái có thể khiến việc kiện Trung Quốc bán phá giá theo các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) trở nên khó khăn hơn. Tuy nhiên, Anh lại là quốc gia duy nhất thể hiện sự hậu thuẫn vô điều kiện cho Trung Quốc và việc nước này rời EU cũng có nghĩa tiếng nói đồng thuận ấy mất đi giá trị, giới phân tích bình luận.
Thực tế, châu Âu hiện tồn tại một mối lo ngại không ngừng gia tăng về những gì mà các nhà phê bình gọi là thủ đoạn thương mại không bình đẳng của Trung Quốc. Những công ty nước ngoài gặp rất nhiều khó khăn khi tiếp cận thị trường Trung Quốc. Bên cạnh đó, việc nước này được cho là bán phá giá sắt thép cùng các nguyên vật liệu thô khác tại phương Tây cũng gây không ít bất bình.
Một số nhà ngoại giao nhận định những rắc rối tại khu vực đồng tiền chung châu Âu kết hợp với cuộc khủng hoảng di cư và các hệ lũy từ sự ra đi của người Anh sẽ khiến EU chuyển mối quan tâm ra khỏi Trung Quốc.
Sự ra đi của Anh cũng có thể khiến đà phục hồi vốn đã yếu của châu Âu sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008 chậm lại. Dù vậy, đó không nhất thiết là một thảm họa đối với Trung Quốc, cây bút Simon Denyer từ Washington Post nhận xét.
Theo hai nhà kinh tế học Tom Orlik và Fielding Chen từ Bloomberg Intelligence, Trung Quốc chỉ xuất khẩu khoảng 2,6% lượng hàng hóa sang Anh. Bên cạnh đó, David Dollar, chuyên gia Trung Quốc tại Viện Brookings ở Washington, cho hay kinh tế Trung Quốc lúc này không còn lệ thuộc nặng nề vào hàng xuất khẩu mà ngày càng dựa nhiều hơn vào tiêu dùng nội địa.
Một số khoản đầu tư của Trung Quốc tại Anh có khả năng bị trì hoãn song các công ty và người dân Trung Quốc có lẽ vẫn sẽ tiếp tục đầu tư vào bất động sản, cơ sở hạ tầng và các thương hiệu của Anh, chuyên gia Gaspers tại Viện Mercator dự đoán. Sự thật là những khoản đầu tư từ Trung Quốc vào châu Âu vẫn đang tăng mạnh, trong đó lượng vốn đầu tư riêng trong quý 1/2016 đã bằng cả năm 2015.
Ông Dollar lại cho rằng Trung Quốc sẽ là bên hưởng lợi địa chiến lược lớn nhất nhờ Brexit.
"Sức ảnh hưởng của châu Âu trên trường quốc tế có khả năng bị suy yếu khi họ đắm chìm trong các vấn đề nội bộ liên quan đến quá trình đàm phán chia tay Anh, kiểm soát người nhập cư hay giữ vững khu vực đồng euro", Dollar viết. "Mỹ cũng dễ bị xao lãng bởi những thách thức ở châu Âu. Điều này giúp Trung Quốc có thêm không gian để theo đuổi các hoạt động bồi đắp trái phép tại Biển Đông và áp dụng chiêu bài chia để trị với các quốc gia châu Âu trên nhiều lĩnh vực khác nhau".
"Một thế giới đa cực đòi hỏi có thêm các cường quốc độc lập với Mỹ tham gia vào quá trình quản trị quốc tế. EU lẽ ra phải là một trong số đó", tờ Global Times viết. "Nhưng đòn bẩy từ một châu Âu bị chia rẽ sẽ không đủ lớn".
Chuyên gia Gaspers còn vẽ ra một viễn cảnh đáng ngại hơn. "Giới tinh hoa chính trị Trung Quốc lo lắng kết quả trưng cầu dân ý có thể gây hiệu ứng domino, khiến những quốc gia thành viên khác rời EU", Gaspers bình luận đồng thời thêm rằng điều này sẽ dẫn tới thị trường tự do duy nhất đối với hàng hóa Trung Quốc bị thu hẹp và tỷ giá chắc chắn sẽ biến động.
Thủ tướng Anh David Cameron, người từng cùng uống bia với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình để đánh dấu mối quan hệ vàng giữa hai nước chuẩn bị ra đi. Tương lai của người ủng hộ mạnh mẽ nhất cho Trung Quốc trong chính phủ Anh, Bộ trưởng tài chính George Osborne, cũng không chắc chắn.
Các quan chức Trung Quốc hiện lo ngại Anh thời hậu Brexit, thay vì ngả về phía một châu Á đang trỗi dậy, sẽ dựa vào "mối quan hệ đặc biệt" với Mỹ để duy trì ảnh hưởng toàn cầu. Bắc Kinh đang ở vào thế đối đầu với Mỹ và rõ ràng đây không phải một tin tốt lành, chuyên gia nhận xét.
Xem thêm: Xét lại Brexit, người Anh có thể hủy hoại EU
Hoàng Nguyên