Chỉ trong vòng một tuần, lá đơn kêu gọi quốc hội Anh tổ chức cuộc trưng cầu dân ý lại về việc nước này rời khỏi Liên minh châu Âu (hay còn gọi là Brexit) đã nhận được khoảng 4 triệu chữ ký ủng hộ, làm dấy lên hy vọng rằng đây có lẽ chưa phải là thất bại cuối cùng của phe "ở lại", bởi luật pháp Anh quy định Quốc hội có trách nhiệm xem xét tất cả thỉnh nguyện thư có 100.000 chữ ký trở lên. Tuy nhiên, mọi nỗ lực đảo ngược Brexit đều có hủy hoại hoàn toàn Liên minh châu Âu (EU), theo Fortune.
Phó giáo sư khoa học chính trị Liubomir K.Topaloff, thuộc đại học Meiji, Nhật Bản, cho rằng trưng cầu dân ý chính là nền tảng của dân chủ, là biểu hiện của việc trao quyền cho người dân. Với một quốc gia dân chủ điển hình như nước Anh, cuộc trưng cầu ý dân sẽ giúp phe đa số nắm chiến thắng trong tay. Việc đảo ngược kết quả dường như là không thể đối với những cử tri nằm trong số 48% số người lựa chọn "ở lại".
Các chuyên gia pháp lý ủng hộ việc "ở lại" lập luận rằng kết quả cuộc trưng cầu ý dân vừa qua đã đẩy Quốc hội Anh vào vòng luẩn quẩn "con gà và quả trứng", khi chính phủ Anh sẽ không thể khởi động quá trình đàm phán rời khỏi EU theo Điều 50 Hiệp ước Lisbon chừng nào quốc hội chưa chính thức thông qua kết quả bỏ phiếu này.
Việc quốc hội chấp thuận kết quả bỏ phiếu đồng nghĩa với việc cho phép chính phủ tiếp theo toàn quyền triển khai những điều khoản của thỏa thuận mà họ đàm phán thành công với EU dù không biết rõ nội dung của những điều khoản này. Nhưng, kịch bản này khó có khả năng xảy ra. Thay vào đó, sau các cuộc bầu cử, chính phủ mới có thể sẽ tìm cách tái đàm phán các điều khoản với EU mà không cần phải rời khối.
Tuy nhiên, theo Topaloff, vấn đề mà chính phủ mới tại Anh sẽ phải đương đầu là kết quả bỏ phiếu về Brexit là điều không thể bác bỏ. Số cử tri ủng hộ Anh rời khỏi EU nhiều hơn số cử tri ủng hộ ở lại tới gần 1,3 triệu người.
Phe ủng hộ "ở lại" biết rõ điều này song họ vẫn cho rằng chiến thắng của phe Brexit chủ yếu là do số đông những cử tri cao tuổi, trình độ giáo dục thấp bỏ phiếu rời khỏi EU, chứ không phải do những cử tri trẻ tuổi mà lợi ích của họ gắn liền với tiến trình hội nhập ở châu Âu.
Ông Topaloff cho rằng đây là một sai lầm bởi họ thực sự chỉ đang tìm cách đổ lỗi cho cuộc bỏ phiếu vừa qua là không công bằng. Việc đánh giá và phát xét quyết định của một cử tri dựa trên giới tính, lứa tuổi, thu nhập, trình độ học vấn, địa vị xã hội hoặc nhiều lý do khác chính là hành động không công bằng và làm xói mòn nền dân chủ.
Theo họ, cách tốt nhất để thoát khỏi vòng luần quẩn này là tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân khác. Tuy nhiên, việc này là không khả thi chừng nào người ta chưa đàm phán về điều mà nhiều người gọi là "cuộc chia ly vội vã", việc sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới tương lai của khoảng ba triệu công dân EU hiện đang sinh sống và làm việc tại Anh.
Theo các nhà phân tích, mục đích của EU là xây dựng một khu vực tự do lưu thông hàng hóa, dịch vụ, tiền tệ và con người. Việc phe ủng hộ Brexit chiến thắng chủ yếu là do những bất mãn trong vấn đề tự do lưu thông con người. Rõ ràng nếu Anh có thể đàm phán để buộc EU phải nhượng bộ các yêu cầu của mình trong vấn đề này mà vẫn giữ được tư cách thành viên liên minh thì đây sẽ là tiền lệ xấu, khiến nhiều quốc gia khác cũng muốn làm theo. Điều này chắc chắn không phải là lựa chọn mà EU muốn, và có lẽ cũng là kịch bản ít khả thi nhất trong bối cảnh hiện nay.
Phản ứng của các nước châu Âu đối với kết quả cuộc trưng cầu ý dân vừa qua cũng rất đa dạng. Một nhóm, gồm 3 quan chức cấp cao trong EU là Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk, Chủ tịch Nghị viện châu Âu Martin Schulz và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Junker, cùng Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte kêu gọi nước Anh nhanh chóng chính thức triển khai tiến trình Brexit.
Họ lo ngại nguy cơ có thêm một cuộc trưng cầu ý dân nữa sẽ dẫn đến hiệu ứng domino vốn có nguy cơ bùng phát do sự trỗi dậy ngày càng mạnh mẽ của các luồng quan điểm hoài nghi tính hội nhập và thống nhất châu Âu tại các quốc gia của châu lục này.
Một nhóm khác, trong đó có Thủ tướng Đức Angela Merkel và Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schäuble, lại cho rằng việc cần làm trước hết là trấn an các thị trường sau cú sốc Brexit. Thực tế là cả hai nhóm ý kiến này đều có chung một mục đích là ngăn chặn sự tan vỡ của EU trước sức ép của các nhân tố toàn cầu hóa.
Theo Topaloff, dù EU sẽ suy yếu đáng kể do Brexit, liên minh với 27 thành viên còn lại vẫn có thể hội nhập sâu sắc hơn trong các lĩnh vực như an ninh, kinh tế và tự do lưu thông con người, đặc biệt khi không có những cản trở từ phía Anh. Tuy nhiên, một cuộc trưng cầu ý dân thứ hai chắc chắn sẽ hủy hoại EU bởi nó không thể giải quyết tận gốc những hạn chế của liên minh mà Brexit phơi bày.
"Rõ ràng, một cuộc trưng cầu ý dân ý thứ hai sẽ càng khiến luồng quan điểm cho rằng hội nhập châu Âu là một ý tưởng sai lầm, kể cả ở những nước thành viên không có thành kiến, thêm mạnh mẽ", giáo sư Topaloff nhận định.
Xem thêm: Tại sao Nữ hoàng Anh im lặng trước sự kiện Brexit.
Nguyễn Hoàng