Cơ quan phòng vệ Đài Loan cho biết đội hình máy bay quân sự Trung Quốc lớn chưa từng thấy này chia thành hai đợt áp sát hòn đảo trong ngày 2/10.
Đợt thứ nhất diễn ra vào ban ngày với 14 tiêm kích J-16, 4 tiêm kích Su-30 và hai máy bay tuần thám săn ngầm Y-8. 20 máy bay này di chuyển ở vùng biển giữa Đài Loan và quần đảo Đông Sa do Đài Bắc kiểm soát, sau đó quay về đất liền.
Đợt áp sát thứ hai diễn ra ban đêm với 12 tiêm kích J-16, 6 tiêm kích Su-30 và một máy bay cảnh báo sớm KJ-500. 18 tiêm kích hoạt động ở khu vực giữa đảo Đài Loan và quần đảo Đông Sa rồi quay về, trong đó nhóm chiến đấu cơ J-16 bay xa hơn Su-30. Máy bay cảnh báo sớm KJ-500 hoạt động gần quần đảo Đông Sa do Đài Bắc kiểm soát.
Lực lượng phòng vệ Đài Loan đã điều tiêm kích để ứng phó và cảnh báo máy bay của quân đội Trung Quốc, đồng thời kích hoạt các tổ hợp tên lửa phòng không để theo dõi.
Đợt áp sát này phá kỷ lục về số máy bay quân sự hoạt động gần đảo Đài Loan với 38 phi cơ diễn ra một ngày trước đó, đúng dịp quốc khánh Trung Quốc. Số máy bay áp sát Đài Loan hôm 1/10 cũng được chia làm hai đợt ngày và đêm.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc chưa bình luận về chiến dịch áp sát lớn kỷ lục. Trước đó, cơ quan này khẳng định các đợt áp sát đảo Đài Loan nhằm bảo vệ chủ quyền đất nước, đồng thời nhắm vào hành vi "thông đồng" giữa giới chức hòn đảo với Mỹ, bên ủng hộ quan trọng nhất của Đài Loan.
Tô Trinh Xương, người đứng đầu Hành chính viện Đài Loan, ngày 2/10 chỉ trích các đợt áp sát của máy bay quân sự Trung Quốc "gây tổn hại đến hòa bình" trong khu vực và là "hành vi bắt nạt". Ông Tô cho rằng cộng đồng quốc thế ngày càng không thể "chấp nhận cách hành xử của Bắc Kinh".
Trung Quốc luôn coi Đài Loan là một tỉnh chờ thống nhất và tuyên bố sẵn sàng sử dụng vũ lực nếu cần. Quân đội Trung Quốc tổ chức nhiều cuộc diễn tập quanh Đài Loan với khí tài tối tân, đồng thời nhiều lần điều máy bay quân sự áp sát hòn đảo.
Nguyễn Tiến (Theo Reuters)