Ngày 15/9, Đại hội thể thao toàn quốc lần thứ 14 của Trung Quốc khai mạc tại tỉnh Thiểm Tây. Đây là một trong những sự kiện thể thao lớn đầu tiên của nước này được tổ chức từ khi Covid-19 bùng phát. Hơn 46.000 người đã tham gia lễ khai mạc, gồm các nghệ sĩ biểu diễn, vận động viên, khán giả, kỹ thuật viên, an ninh, các nhân viên và quan chức khác.
Trả lời Global Times, Ma Guanghui, Phó giám đốc trung tâm phòng chống dịch bệnh tỉnh Thiểm Tây, cho biết các chiến lược phòng ngừa nghiêm ngặt là chìa khóa cho một sự kiện thể thao không virus diễn ra thành công. Thông qua mã QR cá nhân, ban tổ chức có thể quản lý từ xa những người tham gia. Họ phải xuất trình đầy đủ chứng nhận tiêm vaccine, khai báo sức khoẻ và chứng nhận âm tính trong vòng 48 giờ trước khi đến Thiểm Tây. "Những người đi đến các cộng đồng dân cư và trung tâm mua sắm cần quét mã QR, kiểm tra nhiệt độ và đeo khẩu trang ... Nhiều danh lam thắng cảnh ở đây vẫn đóng cửa để giảm số lượng du khách và đảm bảo dịch bệnh không bùng phát", ông Guanghui nói.
Công nghệ mã QR đang được sử dụng rộng khắp trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, và trở thành một trong những "vũ khí" giúp đất nước đông dân nhất thế giới chung sống an toàn với đại dịch, từng bước tái thiết kinh tế.
Ngày 26/9, tại Hội nghị Internet thế giới 2021 diễn ra trực tuyến ở Chiết Giang, Xia Xueping, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Không gian mạng Trung Quốc, cho biết: "Đến nay, đã có hơn 40 tỷ lượt quét mã sức khoẻ được dùng trong công tác phòng chống dịch Covid-19 tại Trung Quốc".
Người Trung Quốc đang quay lại cuộc sống bình thường thông qua hệ thống QR code và mã sức khoẻ cá nhân. "Mã sức khoẻ" lần đầu được triển khai ở thành phố Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang từ tháng 2/2020.
Theo Xinhua, một tuần sau khi xuất hiện tại Hàng Châu, hệ thống mã QR sức khoẻ đã được 100 thành phố sử dụng và nhanh chóng mở rộng ra khắp Trung Quốc. Người dân có thể dùng bất kỳ ứng dụng nào có liên thông với dữ liệu sức khoẻ quốc gia để được cập nhật "thẻ xanh, thẻ vàng", như ví Alipay với 900 triệu người dùng hay Wechat với hơn 1 tỷ người dùng hàng tháng. Tương tự, các địa phương có thể xây dựng nền tảng chống dịch riêng nhưng phải liên thông với kho dữ liệu chung. Tuỳ mục đích, họ có thể tạo thêm những tính năng cần thiết nhưng phải đảm bảo đồng bộ để người dân dù quét mã QR ở đâu, với ứng dụng nào cũng ra một thông tin thống nhất.
Mã QR sức khoẻ được cấp sau khi người dùng khai báo thông tin về dịch tễ trên các ứng dụng. Nhà chức trách sẽ đối chiếu và phê duyệt trước khi áp mã màu. Người có mã xanh được coi là an toàn, có thể thoải mái đi lại. Mã vàng là có một số dấu hiệu về sức khoẻ như sốt, ho, nghẹt mũi... hoặc đến từ vùng dịch. Những người này phải cách ly tại nhà 7 ngày, không sử dụng các phương tiện giao thông công cộng và đến nơi đông người. Người có mã màu đỏ được xác nhận là có nguy cơ lây nhiễm cao, có các triệu chứng liên quan đến Covid-19, buộc phải cách ly tập trung 14 ngày.
Ở giai đoạn đầu, người dân Trung Quốc gặp hai vấn đề với thẻ sức khoẻ dưới dạng mã màu QR. Thứ nhất, họ lúng túng không biết "màu thẻ" của mình được cấp dựa trên điều kiện gì. Thứ hai, người không có smartphone hoặc trẻ em chưa có căn cước công dân không thể đăng ký mã này.
Khi mới triển khai, nhiều người cho biết thẻ của mình tự chuyển sang màu đỏ vì khai báo bị sổ mũi hoặc mệt. Hồi tháng 2 năm ngoái, Matt Ma (36 tuổi) ở Chiết Giang không thể quay về nhà ở Hàng Châu do mã QR của anh ta bị "tô đỏ". Ma nói anh không ở gần tâm dịch, cũng không có vấn đề về sức khoẻ. "Tôi không thể đi bất kỳ đâu. Cũng không thể cầu cứu ai, trừ phần mềm trả lời tự động", Ma chia sẻ trên Inkstone. Hai ngày sau, cuối cùng mã QR của anh cũng tự động chuyển về xanh.
Qianjiang Evening News dẫn lời quan chức Hàng Châu cho biết, hệ thống xem xét tình trạng sức khỏe của mỗi người dựa trên thông tin tự khai báo, lịch sử di chuyển, những người họ đã tiếp xúc gần và đối chiếu với dữ liệu của chính phủ về các ca dương tính, thông tin đặt chuyến bay, tàu hỏa và xe buýt... Mỗi lần mã của một người được quét, hoặc khi người này quét mã QR công cộng, thông tin địa điểm đó được gửi về máy chủ của hệ thống, cho phép chính quyền theo dõi động thái của người dân.
Ban đầu, các nhà quản lý thừa nhận một số mã sức khỏe hiển thị không chính xác. Nhưng trong quá trình hoạt động, những bất cập của hệ thống đã liên tục được khắc phục. Chính quyền địa phương cũng mở kênh riêng để tiếp nhận phản hồi của người dân về các trường hợp sai thông tin.
Hiện hệ thống mã QR phân loại người dân bằng màu sắc đã được áp dụng rộng khắp Trung Quốc như nhà ga, sân bay, bến xe buýt và các địa điểm công cộng khác. Cả công dân Trung Quốc và người nước ngoài ở đây đều có thể được cấp thẻ xanh Covid. Nước này kỳ vọng thời gian tới, người dân có thể sử dụng thẻ này khi di chuyển đến các quốc gia khác.
Khương Nha