CNN dẫn phát biểu của chủ tịch Trung Quốc, Tập Cận Bình trong sự kiện G20, cho rằng để đảm bảo nền kinh thế giới trong thời kỳ đại dịch hoạt "động trơn tru", các quốc gia cần phối hợp và thực hiện một bộ chính sách thống nhất. "Trung Quốc đề xuất một cơ chế toàn cầu trong việc công nhận kết quả xét nghiệm axit nucleic dưới dạng mã QR, được quốc tế chấp nhận. Chúng tôi hy vọng sẽ có nhiều quốc gia tham gia vào hệ thống này", ông Tập nói.
Trung Quốc đã buộc người dân sử dụng "chứng nhận sức khoẻ trực tuyến" bằng QR code từ đầu năm. Hệ thống sử dụng mã vạch điện tử để lưu lại lịch sử đi lại và tình trạng sức khoẻ từng người, từ đó hạn chế lây lan của dịch bệnh, khoanh vùng nhanh nhóm có nguy cơ cao. Mã cấp cho mỗi người dựa trên khả năng họ đã tiếp xúc với người dương tính Covid-19 hay chưa. Mã màu giống đèn giao thông: Màu xanh lá là an toàn, sau đó là vàng - có nguy cơ - và cuối cùng là đỏ - đã mắc Covid-19.
Ông Tập không đề xuất ứng dụng hoặc hệ thống mã QR nào cụ thể, cũng không nhắc đến việc ai sẽ thiết kế và vận hành ứng dụng này.
Một số quốc gia đã giới thiệu ứng dụng công nghệ theo dõi vị trí của người dân và khả năng tiếp xúc với người bị dương tính Covid-19. Trung Quốc, Australia, Nhật Bản, Singapore... là những quốc gia tiên phong, nhưng mỗi nơi lại chọn một phương án khác nhau, không có sự phối hợp chung nên mức độ thành công cũng không giống nhau.
Một nghiên cứu của Đại học Oxford vào tháng 4 cho thấy chỉ cần 56% dân số của một quốc gia sử dụng một ứng dụng theo dõi sẽ mang đến hiệu quả cao trong việc ngăn chặn dịch Covid-19. Tuy nhiên, các ứng dụng này cũng vấp phải không ít phản đối vì những lo ngại về quyền riêng tư, đặc biệt ở các quốc gia phương Tây. Theo Allison Gardner, giảng viên khoa học máy tính tại Đại học Keele (Anh), người dân ở Anh, Pháp đã miễn cưỡng sử dụng các ứng dụng liên quan đến Covid-19 vì thông tin cá nhân của họ được lưu trữ bên ngoài, thay vì trên điện thoại của họ.
Với lo ngại ngày càng lớn của các quốc gia về sử dụng công nghệ có nguồn gốc Trung Quốc, nhiều câu hỏi nghiêm túc về một hệ thống QR phối hợp cùng Bắc Kinh đã được đưa ra.
Stuart Hargreaves, Phó giáo sư tại khoa luật của Đại học Trung Quốc, nói rằng mặc dù mã QR không xâm phạm dữ liệu cá nhân, nếu nó được sử dụng để lưu trữ thông tin sức khoẻ nhạy cảm, những câu hỏi về quyền riêng tư sẽ trở nên đặc biệt quan trọng. "Ví dụ, những thông tin nào sẽ được lưu trữ trong bản khai; nó được tạo ra thế nào; lưu trữ ở đâu; ai có quyền truy cập...", Hargreaves nêu vấn đề. Các chuyên gia cũng đồng ý rằng ngay cả khi đã có vaccine chống Covid-19, một "hộ chiếu y tế điện tử" vẫn cần thiết trên phạm vi toàn cầu.
Raina MacIntyre, người đứng đầu Chương trình Nghiên cứu An ninh Sinh học tại Viện Kirby của Đại học New South Wales, cho biết vấn đề chính của ứng dụng toàn cầu liên quan đến Covid-19 là duy trì tính riêng tư của dữ liệu. MacIntyre gợi ý rằng, dữ liệu có thể do trung tâm về thông tin do Tổ chức Y tế Thế giới hoặc một cơ quan của Liên hợp quốc quản lý. "Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là liệu người dân có đồng ý để một chính phủ khác truy cập vào dữ liệu của mình không. Đó có thể là cái giá phải trả cho việc tự do đi lại", cô nói.
Khương Nha (theo CNN)