Để xây dựng hệ thống mã vạch y tế cho điện thoại di động, chính quyền Trung Quốc phải nhờ đến sự giúp đỡ của hai tập đoàn công nghệ lớn trong nước gồm Alibaba và Tencent. Trong khi Alibaba nổi tiếng với ứng dụng thanh toán di động Alipay, Tencent lại sở hữu Wechat. Cả hai đều là những ứng dụng phổ biến tại Trung Quốc, được hàng triệu người dân trong nước sử dụng. Việc đặt các mã QR vào những nền tảng phổ biến này đồng nghĩa chính quyền có thể tiếp cận dễ dàng với đông đảo người dân.
Hàng Châu - thành phố biển phía Đông tỉnh Chiết Giang và cũng là nơi Alibaba đặt trụ sở - là một trong những nơi đầu tiên áp dụng biện pháp theo dõi sức khoẻ người dân qua mã QR để quyết định xem nên cách ly những ai. Hệ thống này được Alipay khởi động từ ngày 11/2.
Để nhận mã QR, người dân phải điền thông tin cá nhân bao gồm tên, số căn cước công dân hoặc hộ chiếu và điện thoại khi vào trang đăng nhập. Sau đó, họ phải khai cáo về lịch sử di chuyển của mình cũng như trả lời câu hỏi có tiếp xúc với người bị dương tính hoặc nghi nhiễm Covid-19 trong 14 ngày qua hay không. Các mục ghi triệu chứng như sốt, mệt mỏi, ho khan, ngạt mũi, chảy nước mũi, đau họng hay tiêu chảy cũng phải được tích đầy đủ. Mọi thông tin khai báo sẽ được duyệt bởi các nhà chức trách. Cuối cùng, mỗi mã QR của người dân sẽ được gắn với một màu: đỏ, vàng hoặc xanh.
Theo tuyên bố của chính quyền Hàng Châu, những người có mã đỏ sẽ phải đi đến khu cách ly của chính phủ hoặc tự cách ly trong 14 ngày. Người có mã vàng phải cách ly trong bảy ngày, còn màu xanh thì được phép di chuyển tự do trong thành phố.
Bên cạnh thu thập thông tin sức khoẻ, ứng dụng còn có tác dụng theo dõi di chuyển của người dân bởi mã QR của mỗi người sẽ đều được quét mỗi khi họ tới các khu vực công cộng. Khi có một ai đó được chẩn đoán dương tính với Covid-19, chính quyền sẽ nhanh chóng có được lịch sử di chuyển của bệnh nhân đồng thời xác định họ từng tiếp xúc với những ai.
Nguồn tin của CNN cho biết hệ thống ứng dụng theo dõi y tế dựa trên mã QR do các cơ quan của chính phủ Trung Quốc phát triển và vận hành, Alipay chỉ cung cấp hạ tầng và hỗ trợ kỹ thuật.
Trong khi đó, Tencent cũng phát triển công cụ tương tự trên Wechat. Ứng dụng của tập đoàn này được ra mắt vào đầu tháng 2 tại một thành phố phía Nam của Thẩm Quyến, nơi Tencent đặt trụ sở.
Trong vòng một tuần sau khi được công bố, ứng dụng y tế của Alipay được phổ biến tại hơn 100 thành phố của Trung Quốc. Thông tin này được đưa ra bởi một cơ quan báo chí của quốc gia này.
Ngày 15/2, theo Tân Hoa Xã, văn phòng chính phủ điện tử thuộc Quốc vụ viện Trung Quốc đã hướng dẫn Alipay cách để đẩy nhanh tiến độ phát triển ứng dụng theo dõi y tế nhằm sớm phổ biến khắp đất nước. Nguồn tin khi ấy cho biết một "lưới trời" phòng chống dịch bệnh dưới định dạng kỹ thuật số đang được triển khai với quy mô trải khắp và tốc độ mang đặc trưng Trung Quốc.
Theo Alipay, đến trước cuối tháng 2, đã có hơn 200 thành phố của Trung Quốc đã ứng dụng công nghệ theo dõi y tế dựa trên mã QR. Trong khi đó, hệ thống của Tencent đã mở rộng đến 300 thành phố vào tháng 3, theo Science and Technology Daily.
Ngày 1/3, Bắc Kinh tung ra phiên bản ứng dụng theo dõi y tế dựa trên mã QR có chức năng hiển thị tình trạng sức khoẻ theo ba màu. Ứng dụng có thể truy cập được từ cả hai nền tảng Alipay lẫn Wechat. Ngoài cung cấp tên và số căn cước, người dùng còn cần phải đăng ký nhận diện khuôn mặt để nhận được mã QR.
Ứng dụng theo dõi y tế trên nền mã QR cũng đóng vai trò quan trọng trong việc dần dỡ lệnh hạn chế đi lại ở tỉnh Hồ Bắc, nơi có khoảng 60 triệu người bị ảnh hưởng bởi lệnh phong toả từ hồi cuối tháng 1. Hôm 10/3, chính quyền tỉnh Hồ Bắc đã yêu cầu người dân phải cài ứng dụng của riêng họ để được phép di chuyển trong khu vực.
Cách hoạt động của nó cũng tương tự những ứng dụng khác, màu sắc của mã QR phải dựa trên cơ sở dữ liệu phòng chống dịch bệnh. Ai được chẩn đoán dương tính Covid-19, bị nghi ngờ hoặc các ca nhiễm nhưng không triệu chứng thì sẽ nhận mã đỏ và buộc phải đi điều trị, cách ly. Người nhận mã vàng là đã tiếp xúc với ca nhiễm virus, không được phép di chuyển khỏi nhà. Mã xanh được phép đi lại tự do trong địa phương. Không chỉ dân cư, những người đến du lịch tại Hồ Bắc và Vũ Hán cũng buộc phải cài ứng dụng theo dõi y tế.
Vấn đề của các ứng dụng theo dõi y tế
Giống mọi sản phẩm công nghệ khác, các ứng dụng theo dõi sức khoẻ cũng không tránh được lỗi. Chúng có thể hiển thị sai màu so với trạng thái sức khoẻ của người dùng, khiến một số người bị buộc đi cách ly trong khi bản thân họ không có vấn đề gì.
Tại Hàng Châu, khi ứng dụng của Alipay mới được công bố, một số người dân phản ánh trên mạng xã hội rằng họ bị nhận mã đỏ vì nhiều lý do không hợp lý. Ví dụ, một số người tích vào mục "nghẹt mũi" và "mệt mỏi" trong phần triệu chứng nên phải nhận mã đỏ, dù chúng chỉ là những biểu hiện của cúm và cảm lạnh.
Một vài ngày sau khi ứng dụng được tung ra, chính quyền Hàng Châu cho biết số điện thoại hotline của thị trưởng "cháy máy" bởi quá nhiều người phàn nàn. Họ buộc phải lập một ứng dụng trực tuyến để giúp người dân gửi yêu cầu xem xét lại cơ chế gán màu cho các mã QR của ứng dụng theo dõi y tế mới.
Khi trung Quốc dỡ các lệnh phong toả và cho phép người dân di chuyển giữa các khu vực, một vấn đề khác lại nổi lên: hệ thống theo dõi y tế của nhiều địa phương lại không đồng bộ với nhau.
Mặc dù các ứng dụng theo dõi dựa trên mã QR đều được phát triển bởi cùng một vài công ty, cũng hiển thị tình trạng sức khoẻ theo ba màu cho sẵn nhưng chúng lại có cơ sở dữ liệu từ những chính quyền địa phương khác nhau. Theo Legal Daily, các chính quyền địa phương không chia sẻ cơ sở dữ liệu với nhau và mỗi nơi lại có một tiêu chuẩn khác nhau để xác định mã màu cho người dân. Thậm chí, một số người còn miễn cưỡng nhận các mã màu không mong muốn khi di chuyển đến một nơi khác.
Một người sống ở tỉnh Hồ Bắc có họ là Yuan kể: khi tới Quý Châu để làm việc vào cuối tháng 3, khi lệnh phong toả được dỡ, anh vẫn phải cách ly 14 ngày. Trước đó, anh đã được nhận mã QR xanh tại Hồ Bắc sau khi cách ly 14 ngày ở đây. Theo tờ Legal Daily, hệ thống ứng dụng của Quý Châu không nhận diện mã của Hồ Bắc.
Để giải quyết vấn đề, chính quyền Trung Quốc đã phải tung ra bộ mã phòng chống đại dịch áp dụng toàn quốc. Cơ sở dữ liệu quốc gia bao gồm các ca nhiễm, nghi nhiễm cùng những người từng tiếp xúc cũng được đưa lên một nền tảng tập trung. Nhờ đó, các chính quyền địa phương mới nhận diện được bộ mã QR của nhau. Mao Qunan, một quan chức của Uỷ ban Y tế Quốc gia của Trung Quốc nói: "Chúng tôi nhận ra được tầm quan trọng của việc chia sẻ và nhận diện dữ liệu của nhau".
Những lo ngại về quyền riêng tư cũng được đặt ra cho hệ thống ứng dụng theo dõi y tế dựa trên mã QR của Trung Quốc. Những ứng dụng này hoạt động dựa trên dữ liệu mà chính phủ thu thập từ mỗi người dân, từ thông tin cá nhân, địa điểm, lịch sử di chuyển, những liên hệ gần đây tới tình trạng sức khoẻ.
"Điều tôi quan tâm nhất là liệu thông tin cá nhân của mình có bị lộ ra ngoài không và việc bảo mật thông tin của mình có được đảm bảo không", Han Dongyan - một người dùng trên mạng xã hội Weibo - nói về ứng dụng theo dõi y tế dựa trên mã QR.
Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Guanming Daily, Zhu Wei - chuyên gia tại Đại học Khoa học Chính trị và Pháp luật Trung Quốc - khẳng định ứng dụng theo dõi y tế của nước này tuân theo luật an ninh mạng Trung Quốc bởi mọi người dùng đều biết thông tin của họ được thu thập và quá trình xử lý có sự tham gia của chính phủ.
Jason Lau - giáo sư kiêm chuyên gia về quyền riêng tư tại Đại học Baptist Hong Kong - cho biết chính quyền Trung Quốc cần đảm bảo các ứng dụng theo dõi phải đáp ứng các nguyên tắc bảo mật dữ liệu điển hình. Ví dụ, số lượng dữ liệu thu thập phải "tương xứng với mục đích cần đạt". Ông cũng đặt ra nghi vấn liệu thông tin cá nhân của người dân liệu có được giữ lại sau khi quốc gia này đẩy lùi được đại dịch. "Làm thế nào để chúng ta xác định được đại dịch thực sự kết thúc? Ai là người trong chính phủ và các công ty sẽ đứng ra khẳng định dịch bệnh đã được chặn đứng đồng thời yêu cầu phải xoá dữ liệu, không được thu thập thêm thông tin cá nhân nữa", ông Lau nói.
Liu Yuewen - chuyên gia về Big Data là việc cho cảnh sát tại tỉnh Vân Nam - nói trong một cuộc họp báo tháng 2 rằng các dữ liệu sức khoẻ được thu thập sẽ bị huỷ khi nỗ lực chặn đại dịch thành công. "Không ai có thể xem những dữ liệu này mà không có sự cho phép của các cơ quan phòng chống dịch bệnh", ông nói.
Trong khi đó, một số thành phố Trung Quốc đã bắt đầu ngưng việc khai thác ứng dụng theo dõi y tế dựa trên mã QR. Hôm 21/3, chính quyền Hàng Châu đã tuyên bố người dân không cần phải sử dụng ứng dụng này khi tới các khu vực công cộng nữa. Tuy vậy, ở một số nơi như Thượng Hải hay Bắc Kinh, người dân vẫn phải sử dụng ứng dụng để được phép đi vào một số nơi nhất định.
Sử dụng mã QR là biệp pháp giúp hàng triệu người Trung Quốc tránh được những nguy cơ tiềm ẩn khi Covid-19 bùng nổ khắp nơi. Nhờ công nghệ di động và big data, chính quyền Trung Quốc đã áp dụng hệ thống cảnh báo y tế dựa trên màu sắc hiển thị nhằm kiểm soát việc di chuyển của người dân trong mùa dịch cũng như cố gắng ngăn chặn sự lan nhiễm của virus. Ở đó, mỗi người dân được giữ một "thẻ căn cước sức khoẻ" đặc biệt - một mã QR (mã vạch ma trận).
Theo bước Trung Quốc, nhiều chính quyền khác cũng sử dụng công nghệ tương tự để phòng chống sự lây lan của virus Covid-19. Tháng trước, Singapore đã tung ra ứng dụng di động theo dõi tiếp xúc (contact tracing) cho phép các nhà chức trách xác định những người bị phơi nhiễm trước các ca dương tính Covid-19. Chính quyền Nhật Bản cũng đang xem xét việc tạo ra ứng dụng di động tương tự. Moskva mới đây cũng ra mắt hệ thống theo dõi dựa trên nền tảng QR khi nước này ban hành lệnh phong toả.
"Công nghệ đang nắm vai trò trọng yếu trong việc ngăn chặn đại dịch", Xian-Sheng Hua - chuyên gia AI trong mảng y tế của tập đoàn thương mại điện tử Alibaba - nói với CNN Business. Ông cho biết để ngăn sự lây lan của virus, theo dõi liên lạc là bước thiết yếu. Vì vậy, nhiều nơi trên thế giới đang đưa ra các sáng kiến bắt nguồn từ ý tưởng căn bản này.
Đức Trí (theo CNN)