Trả lời phỏng vấn trên đài phát thanh hôm nay, bà Maria Tam Wai-chu, chính trị gia và luật sư cao cấp của Hong Kong, thành viên Ủy ban Luật Cơ bản của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc từ năm 1997, cho rằng dự luật an ninh Hong Kong có thể được thông qua trong cuộc họp ba ngày của Ủy ban Thường vụ quốc hội bắt đầu từ 28/6.
Bà Tam cho hay cuộc họp lần này của Ủy ban Thường vụ quốc hội Trung Quốc có tới 10 đại biểu Hong Kong được mời, so với chỉ 4 người tham dự các cuộc họp định kỳ được tổ chức hai tháng/lần trước đó.
Khi được hỏi liệu Bắc Kinh đã tham vấn nhiều ý kiến khác nhau cho dự luật hay chưa, bà Tam cho rằng quan điểm của những người không chấp nhận các nguyên tắc cơ bản của luật an ninh Hong Kong là hoàn toàn không phù hợp.
"Nếu những người đó phản đối toàn bộ luật về nguyên tắc thì không còn gì để bàn nữa", cố vấn này nói, thêm rằng Văn phòng Liên lạc Trung Quốc đại lục tại Hong Kong đã tham khảo ý kiến các doanh nhân, luật sư và chính trị gia có ảnh hưởng về dự luật tại một phiên họp trong tuần này.
Bà cho rằng dự luật an ninh sẽ đủ cứng rắn để giải quyết hiệu quả "các vấn đề hiện nay" của Hong Kong, khẳng định Bắc Kinhh sẽ không theo đuổi dự luật nếu nó chỉ là "hổ giấy". Bà khẳng định chính quyền trung ương sẽ dựa vào các biện pháp pháp lý, không phải sử dụng vũ lực, để khôi phục trật tự.
Trung Quốc cuối tuần trước hé lộ các điều khoản chính thức của dự luật an ninh Hong Kong, cấm các hành vi ly khai, lật đổ, khủng bố và cấu kết với các thế lực nước ngoài hoặc bên ngoài để đe dọa an ninh quốc gia.
Theo dự luật, Trung Quốc đại lục được phép thành lập một cơ quan về an ninh quốc gia ở Hong Kong, hỗ trợ chính quyền đặc khu thực thi luật an ninh. Trưởng đặc khu Hong Kong được chỉ định thẩm phán xét xử các vụ án an ninh, nhưng Bắc Kinh bảo lưu quyền xử lý các vụ vi phạm an ninh quốc gia nghiêm trọng.
Các mức phạt cụ thể với tội danh liên quan đến luật an ninh quốc gia mới chưa được Trung Quốc công bố.
Dự luật làm dấy lên mối lo ngại về số phận chính sách "một quốc gia, hai chế độ", cam kết cho Hong Kong mức độ tự trị cao khi đặc khu được Anh trao trả cho Trung Quốc năm 1997. Tuy nhiên, Bắc Kinh khẳng định dự luật trên thực tế củng cố nguyên tắc "một quốc gia, hai chế độ", phục vụ lợi ích và hỗ trợ Hong Kong phát triển.
Mai Lâm (Theo SCMP)