"Chúng tôi đã ghi nhận tình hình tại Myanmar và đang nghiên cứu kỹ để hiểu rõ hơn. Chúng tôi hy vọng tất cả các bên có thể giải quyết bất đồng một cách hợp lý theo khuôn khổ hiến pháp và pháp lý, cũng như bảo vệ ổn định chính trị và xã hội", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cho biết trong cuộc họp báo tại thủ đô Bắc Kinh chiều 1/2, thêm rằng "Trung Quốc là láng giềng thân thiện với Myanmar".
Trung Quốc có tầm ảnh hưởng với Myanmar từ lâu, khi thường xuyên ủng hộ chính quyền quân sự nhưng cũng hợp tác chặt chẽ với Aung San Suu Kyi sau khi bà lên nắm quyền. Bắc Kinh có nhiều lợi ích kinh tế chiến lược tại Myanmar, trong đó gồm những dự án đường ống dầu và khí đốt chủ chốt chạy qua nước này, đồng thời đang thúc đẩy Hành lang Kinh tế Trung Quốc - Myanmar, mạng lưới giao thông và nhiều dự án hạ tầng di chuyển qua hàng loạt khu vực tại quốc gia Đông Nam Á.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị hồi tháng trước gặp tư lệnh quân đội Min Aung Hlaing trong chuyến thăm Myanmar.
Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi ra thông cáo thể hiện ủng hộ các tiến trình dân chủ tại Myanmar và phản đối đảo ngược quá trình này, đồng thời kêu gọi quân đội Myanmar trả tự do cho Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi và quan chức đảng Liên minh Quốc gia vì dân chủ (NLD) cầm quyền. "Chúng tôi kêu gọi chính phủ quân sự khôi phục nền danh chủ càng sớm càng tốt", thông cáo có đoạn viết.
Thủ tướng Anh Boris Johnson chỉ trích hành động của quân đội Myanmar. "Tôi lên án cuộc đảo chính và giam giữ trái phép những quan chức dân sự ở Myanmar, trong đó có Aung San Suu Kyi. Phiếu bầu của người dân cần được tôn trọng và các lãnh đạo dân sự phải được trả tự do", ông viết trên Twitter.
Quân đội Myanmar sáng 1/2 thông báo đã bắt Cố vấn Nhà nước Suu Kyi, Tổng thống Win Myint và một số lãnh đạo cấp cao trong đảng cầm quyền, đồng thời tuyên bố tình trạng khẩn cấp để điều hành đất nước trong một năm. Sự việc diễn ra sau nhiều ngày leo thang căng thẳng giữa chính phủ dân sự và lực lượng quân đội Myanmar sau một cuộc bầu cử bị quân đội nước này cáo buộc "gian lận".
Mỹ, Australia và Liên Hợp Quốc phát thông điệp cảnh báo mạnh mẽ, đề nghị quân đội Myanmar thả bà Suu Kyi và các quan chức chính phủ cũng như tôn trọng ý chí của người dân, giải quyết khác biệt thông qua đối thoại hòa bình.
Bộ Ngoại giao Singapore bày tỏ quan ngại "nghiêm trọng" về tình hình đang diễn ra ở Myanmar, kêu gọi tất cả các bên kiềm chế, hướng tới kết quả hòa bình, trong khi các nước Đông Nam Á khác bao gồm Thái Lan, Campuchia và Philippines khẳng định việc Suu Kyi bị bắt là "vấn đề nội bộ của Myanmar".
Đảng NLD của bà Suu Kyi giành chiến thắng với 346 trên tổng số 412 ghế quốc hội. Tuy nhiên, quân đội Myanmar tuần trước từ chối loại trừ khả năng lên nắm quyền của bà để giải quyết những cáo buộc bất thường trong cuộc bỏ phiếu, tuyên bố đã phát hiện hơn 10 triệu trường hợp gian lận cử tri.
Quân đội đã yêu cầu uỷ ban bầu cử của chính quyền công bố danh sách cử tri để kiểm tra chéo nhưng uỷ ban không đồng ý. Tư lệnh quân đội Min Aung Hlaing, người được xem là quyền lực nhất Myanmar, tuần trước cảnh báo có thể "thu hồi" hiến pháp năm 2008 trong những trường hợp nhất định.
Vũ Anh (Theo Reuters)