"Để bảo vệ lợi ích quốc gia của chúng tôi, Trung Quốc quyết định áp lệnh trừng phạt với các công ty Mỹ như Lockheed Martin, Boeing Defense và Raytheon, cũng như những cá nhân và công ty có hành vi xấu trong quá trình bán vũ khí cho đảo Đài Loan", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói hôm 26/10, đồng thời yêu cầu Washington lập tức dừng các thương vụ bán vũ khí cho Đài Bắc.
Động thái được đưa ra sau khi Bộ Ngoại giao Mỹ phê duyệt thương vụ bán lô vũ khí hơn 1,8 tỷ USD cho Đài Loan, gồm 135 tên lửa hành trình đối đất AGM-84H SLAM-ER, 11 tổ hợp pháo phản lực tầm xa M142 HIMARS, 6 cụm cảm biến MS-110 cùng trang bị phụ tùng và hỗ trợ kỹ thuật.
Trung Quốc luôn coi Đài Loan là một phần lãnh thổ chờ thống nhất, kể cả bằng vũ lực nếu cần thiết. Còn Mỹ, dù công nhận chính sách "một Trung Quốc", vẫn duy trì quan hệ với Đài Loan và đang cung cấp cho hòn đảo nhiều khí tài hiện đại trong bối cảnh căng thẳng hai bờ eo biển gia tăng.
Ông Triệu Lập Kiên không cho biết chi tiết về những biện pháp hay thời điểm thực hiện lệnh trừng phạt các tập đoàn vũ khí Mỹ. Bộ Ngoại giao Trung Quốc hồi tháng 7 cũng không công bố những thông tin tương tự khi thông báo cấm vận tập đoàn Lockheed Martin để đáp trả vụ Mỹ phê duyệt gói nâng cấp tên lửa phòng không Patriot cho Đài Loan trị giá 620 triệu USD.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng những tuyên bố về lệnh trừng phạt của Bắc Kinh chỉ nhằm thể hiện sự phản đối việc Washington bán vũ khí cho Đài Bắc, khó gây ảnh hưởng thực sự đến hoạt động của những tập đoàn quốc phòng Mỹ.
"Biện pháp cấm vận giống như 'đòn gió' và không có nhiều tác động, do phần lớn các tập đoàn quốc phòng Mỹ đều không bán khí tài cho Bắc Kinh", bình luận viên Chun Han Wong của Wall Street Journal nhận xét.
Tập đoàn Lockheed Martin có bán trực thăng dân sự cho các khách hàng Trung Quốc thông qua công ty con Sikorsky Aircraft, trong khi Trung Quốc cũng là thị trường chủ chốt với máy bay dân dụng của Boeing. Tuy nhiên, lệnh trừng phạt của Trung Quốc chỉ nhằm vào mảng khí tài quốc phòng của các tập đoàn Mỹ, nên sẽ không ảnh hưởng đến các giao dịch dân sự.
Lockheed Martin, tập đoàn quốc phòng lớn nhất thế giới tính theo doanh số, cho biết sự hiện diện của họ ở Trung Quốc khá hạn chế. "Những thương vụ trong chương trình Bán trang bị quân sự cho nước ngoài (FMS) là giao dịch giữa các chính phủ, chúng tôi luôn hợp tác chặt chẽ với chính quyền Mỹ trong mọi hợp đồng bán khí tài cho khách hàng quốc tế", tập đoàn này ra thông cáo cho biết.
Boeing và Raytheon khẳng định giữ nguyên cam kết với các thỏa thuận hợp tác thương mại với Trung Quốc, một trong những thị trường máy bay dân dụng lớn nhất thế giới. Nhiều nhà cung cấp thiết bị cho Boeing và cơ sở chế tạo máy bay dân dụng đặt tại Trung Quốc, nước cũng có tiếng nói trong quá trình thay đổi thiết kế dòng 737 MAX đang bị cấm bay.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus cho rằng hành động của Bắc Kinh "không mang tính xây dựng" và khẳng định các thương vụ bán vũ khí "hỗ trợ yêu cầu phòng vệ chính đáng của Đài Bắc". "Chúng tôi liên tục gửi thông điệp đến chính phủ Trung Quốc rằng Mỹ phản đối mạnh mẽ mọi nỗ lực cưỡng ép doanh nghiệp tư nhân. Quan điểm của chúng tôi không thay đổi", Ortagus nói.
Cơ quan ngoại giao Đài Loan bày tỏ hối tiếc vì quyết định áp lệnh trừng phạt của Trung Quốc. "Chúng tôi có trách nhiệm bảo đảm an ninh của người dân Đài Loan trước mối đe dọa quân sự", cơ quan này ra thông cáo cho hay, thêm rằng Đài Bắc sẽ tiếp tục tìm mua vũ khí từ Washington.
Chỉ vài giờ sau phát biểu của ông Triệu, Cơ quan Hợp tác An ninh Quốc phòng (DSCA) thuộc Lầu Năm Góc thông báo Bộ Ngoại giao Mỹ đã phê duyệt hợp đồng bán cho Đài Loan 100 hệ thống phòng thủ bờ biển Harpoon, kèm 400 tên lửa chống hạm RGM-84L-4 và trang thiết bị đi kèm với giá 2,37 tỷ USD.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân sau đó tuyên bố nước này sẽ "thực hiện mọi biện pháp cần thiết để duy trì chủ quyền và lợi ích an ninh", nhưng không nêu chi tiết.
Vũ Anh (Theo Wall Street Journal)