Trung Quốc hôm 31/5 cho biết họ sẽ cho phép tất cả cặp vợ chồng có ba con, tăng từ giới hạn hai con trước đây, khi nước này tiếp tục nới lỏng các biện pháp kiểm soát dân số từng được áp dụng nhiều thập kỷ khiến quốc gia rơi vào khủng hoảng nhân khẩu học. Xinhua đưa tin rằng thay đổi chính sách nhằm "duy trì an ninh quốc gia và ổn định xã hội", đồng thời duy trì "lợi thế của đất nước về nguồn nhân lực".
Bất chấp những nỗ lực của chính phủ nhằm khuyến khích sinh con, số ca sinh hàng năm của Trung Quốc tiếp tục giảm mạnh xuống mức thấp kỷ lục trong điều tra dân số được công bố đầu tháng 5. Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) cho biết các bà mẹ Trung Quốc năm ngoái sinh 12 triệu trẻ, giảm so với 14,65 triệu năm 2019, đánh dấu mức giảm 18% so với cùng kỳ năm ngoái và tiếp tục xuống mức thấp nhất trong gần 6 thập kỷ.
Các chuyên gia nhân khẩu học từ lâu đã đánh giá rằng việc chỉ dỡ bỏ hạn chế về số con sẽ không cải thiện tỷ lệ sinh. Năm 2016, khi Trung Quốc chấm dứt nhiều thập kỷ áp dụng chính sách một con, cho phép tất cả cặp vợ chồng có tối đa hai con, thay đổi này vẫn không khuyến khích được nhiều cặp vợ chồng sinh thêm, do họ lo lắng về chi phí nuôi con cao ở các thành phố.
Chính sách ba con mới "ít khả năng ảnh hưởng lớn đến nhân khẩu học", Yong Cai, nhà xã hội học tại Đại học Bắc Carolina ở Chapel Hill, nhận định.
Một số người cho rằng chính phủ nên thay đổi quy định cấm các cặp đồng tính và phụ nữ độc thân được sử dụng các biện pháp hỗ trợ sinh sản, như đông lạnh trứng và tiếp cận ngân hàng tinh trùng. "Chính sách ba con là một bước tiến, nhưng câu hỏi đặt ra là: Nếu chính sách hai con không khiến mọi người sinh nhiều con hơn thì liệu chính sách ba con có làm được điều đó không?", Sun Xiaomei, giáo sư tại Đại học Phụ nữ Trung Quốc, nói.
Giới chức không cho biết khi nào các quy định mới sẽ được thực thi. Bộ Chính trị Trung Quốc hôm 31/5 cho biết họ sẽ giảm chi phí giáo dục, cải thiện chăm sóc và bảo hiểm thai sản, cung cấp hỗ trợ về nhà ở và thuế cho các gia đình. Giới chức cũng nói rằng họ sẽ dần nâng tuổi nghỉ hưu lên 60 tuổi đối với nam và 55 tuổi đối với nữ.
Những nỗ lực của Trung Quốc trong việc khuyến khích công dân kết hôn và sinh con đã làm dấy lên lo ngại rằng một số biện pháp mang tính cưỡng chế có thể được áp dụng để thực thi chính sách mới. Bộ Chính trị Trung Quốc hôm 31/5 hứa sẽ "tăng cường giáo dục và hướng dẫn" các cặp vợ chồng trẻ, cũng như "kiềm chế các vấn đề xã hội xấu".
"Luật pháp nên tôn trọng và bảo vệ quyền sinh sản và quyền tự do của người dân, để công dân tự quyết định có nên sinh con hay không và bao nhiêu con", Liu Ruishuang, phó chủ nhiệm Khoa Đạo đức Y tế và Luật Sức khỏe tại Đại học Bắc Kinh, cho biết.
Người dùng mạng Trung Quốc dường như không mặn mà với thay đổi mới về chính sách sinh đẻ. "Dù đổi chính sách thành sinh 5 con hay 8 con, giá nhà vẫn là công cụ triệt sản tốt nhất", một người viết. "Chủ yếu là do tôi cảm thấy mệt mỏi. Làm thế nào tôi đủ khả năng nuôi con khi áp lực cuộc sống quá cao?".
"Không có gì sai khi thay đổi chính sách, tôi chỉ hy vọng họ không ép buộc thực hiện", một người khác viết.
Hơn 2.000 người dùng đã trả lời một cuộc thăm dò do Xinhua đăng tải rằng sinh con thứ ba là điều "chắc chắn không cân nhắc". Cuộc thăm dò này nhanh chóng bị xóa, theo ảnh chụp màn hình và bình luận từ người dùng Internet.
Dân số Trung Quốc đang già đi nhanh chóng. Điều tra cho thấy người trên 65 tuổi hiện chiếm 13,5% dân số nước này, tăng từ mức 8,9% vào năm 2010. Trong khi đó, số người 15-59 tuổi giảm xuống dưới 900 triệu, chiếm khoảng 63% dân số vào năm 2020, giảm khoảng 7% so với một thập kỷ trước đó. Trẻ dưới 14 tuổi hiện chiếm 18% dân số, chỉ tăng nhẹ so với mức 17% của một thập kỷ trước.
Dân số vốn là một trong những thế mạnh lớn nhất của Trung Quốc. Trong nhiều thập kỷ, Trung Quốc dựa vào vô số lao động trẻ sẵn sàng làm việc với mức lương thấp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Ngày nay, khi dân số già hóa, giá nhân công đang tăng cao, một phần do thiếu lao động. Các chủ xưởng ở thành phố Quảng Châu, miền nam nước này đang chật vật tìm người làm. Một số công ty còn chuyển sang sử dụng robot vì không thể tìm đủ nhân công.
Khi dân số già đi, họ cũng sẽ gây áp lực lớn lên các bệnh viện và hệ thống hưu trí. Trung Quốc cũng tiếp tục đối mặt với tình trạng dư thừa nam giới độc thân, đã dẫn đến các vấn đề như buôn bán cô dâu - hệ quả không mong muốn từ các quy định kế hoạch hóa gia đình.
Các chuyên gia đánh giá lực lượng lao động Trung Quốc sẽ đạt đỉnh trong vài năm tới trước khi giảm khoảng 5% trong thập kỷ tiếp theo. "Động lực nhân khẩu học đã thúc đẩy sự phát triển kinh tế của Trung Quốc trong những thập kỷ gần đây sẽ nhanh chóng tiêu tan", Yue Su, nhà kinh tế học tại Economist Intelligence Unit ở London, nhận xét.
Điều đó có thể là trở ngại cho các mục tiêu chính sách kinh tế lớn mà Chủ tịch Tập Cận Bình đề ra. Ông đã đặt ra tham vọng GDP Trung Quốc sẽ tăng gấp đôi vào năm 2035.
Trong khi một số nhà dự báo nói rằng Trung Quốc có thể vượt qua Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới vào cuối thập kỷ này, họ vẫn cần thu hẹp khoảng cách lớn về mức độ thịnh vượng. GDP bình quân đầu người của Trung Quốc ở mức 17.000 USD, trong khi Mỹ là hơn 63.000 USD, theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế.
"Việc khuyến khích mức sinh, tự do hóa hơn nữa các giới hạn sinh có thể chỉ giúp ích một cách hạn chế cho tỷ lệ sinh và tăng trưởng dân số nói chung ở Trung Quốc", các nhà phân tích tại Goldman Sachs viết trong một báo cáo nghiên cứu vào tuần trước. "Dân số ở Trung Quốc có vẻ sẽ đạt đỉnh trong 5 năm tới, còn dân số trong độ tuổi lao động sẽ tiếp tục giảm".
Phương Vũ (Theo Washington Post/CNN)