Sputnik ngày 3/6 dẫn bản tin của Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) cho biết tàu sân bay Liêu Ninh của nước này có thể sắp được trang bị các máy phóng máy bay điện từ tương tự của Mỹ, nhằm tăng cường khả năng triển khai chiến đấu cơ trước khi đi vào hoạt động vào năm 2017.
Máy phóng máy bay là thiết bị trợ giúp việc cất cánh của máy bay từ tàu chiến, đặc biệt là tàu sân bay.
Tương tự tàu sân bay Nga, tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc đang sử dụng các hệ thống phóng cổ điển sử dụng piston hơi để cung cấp sức đẩy cho máy bay. Hệ thống này bao gồm một đường trượt nằm trên đường cất cánh, máy bay được liên kết với một thiết bị tương tự con thoi dệt vải chạy trên đường trượt này.
Trước khi máy bay cất cánh, một thanh giằng sẽ giữ hệ thống phóng đứng yên trong khi piston tích áp suất hơi, đến khi áp suất trong piston đã đủ yêu cầu, thanh giằng được giải phóng, piston đẩy máy bay gắn trên con thoi chạy dọc đường cất cánh với vận tốc cao. Trong vòng 2-4 giây trên đường chạy, với vận tốc do hệ thống phóng cung cấp, máy bay có thể cất cánh khỏi tàu.
Tuy nhiên, hệ thống phóng máy bay này không hiện đại như các hệ thống của Mỹ, buộc tàu sân bay Trung Quốc vẫn phải áp dụng đường cất cánh kiểu "nhảy cầu" (ski-jump).
Trong khi đó, các tàu sân bay hiện đại lớp USS Gerald R.Ford của Mỹ đã được trang bị máy phóng máy bay điện từ. Ưu điểm của hệ thống này là gia tốc của máy bay được tăng lên dần nên áp lực tác dụng lên khung máy bay được giữ ở mức thấp, khả năng duy tu bảo dưỡng tốt, ít yêu cầu nhân lực để thực hiện động tác phóng.
Bắc Kinh tuyên bố bắt đầu nghiên cứu phát triển hệ thống phóng điện từ từ năm 2002 và thử nghiệm thành công cho các sân bay trên đất liền vào năm 2014.
Xem thêm: J-20 Uy Long - tiêm kích tàng hình chắp vá của Trung Quốc.
Nguyễn Hoàng