Reuters ngày 1/6 dẫn tuyên bố của không quân Trung Quốc cho biết Bắc Kinh đang thực hiện các khâu thử nghiệm cuối cùng và sẽ sớm đưa chiếc tiêm kích tàng hình hiện đại nhất của nước này là J-20 đi vào hoạt động.
"Trong tương lai gần, việc thử nghiệm J-20 và máy bay vận tải cỡ lớn Y-20 sẽ liên tục được thực hiện. Đây là khâu cần thiết trước khi đưa máy bay vào phục vụ, nâng cao hiệu quả khi không quân thực thi sứ mệnh", không quân Trung Quốc tuyên bố, nhưng không đưa ra mốc thời gian cụ thể.
Chengdu J-20 Uy Long là tiêm kích tàng hình hai động cơ thế hệ thứ 5 do tập đoàn công nghiệp hàng không Thành Đô nghiên cứu, sản xuất cho không quân Trung Quốc với hy vọng thu hẹp khoảng cách về sức mạnh quân sự với Mỹ.
J-20 được thử nghiệm lần đầu ngay trước chuyến thăm Bắc Kinh của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates năm 2011. Dựa trên những hình ảnh đầu tiên của chiếc J-20, các nhà phân tích cho rằng Trung Quốc đã đạt tiến bộ lớn hơn mong đợi trong việc chế tạo tiêm kích tàng hình thế hệ 5.
Thậm chí, một số chuyên gia còn cho rằng J-20 có thể sánh ngang với F-22 của Mỹ hay T-50 của Nga, có thể thách thức ưu thế trên không của Mỹ và xuyên thủng mọi hệ thống phòng không ở châu Á - Thái Bình Dương.
Tuy nhiên, khi đi sâu vào phân tích, các chuyên gia quân sự của Aviations militaires cho rằng thiết kế và sức mạnh thật sự của loại chiến đấu cơ này còn nhiều vấn đề đáng xem xét.
Thiết kế chắp vá
Về thiết kế, J-20 có hình dáng lai ghép, kết hợp những nét đặc trưng của máy bay Nga và Mỹ. Phần đầu của máy bay được cho là giống với tiêm kích F-22 của Mỹ, còn phần sau lại có thiết kế kiểu "vịt" giống hệt dự án máy bay tàng hình MiG 1.44 của Nga vốn không được sản xuất hàng loạt, trong khi các họng hút khí có lẽ được sao chép từ F-35.
Nghi ngờ về việc Trung Quốc sao chép thiết kế càng được khẳng định khi xuất hiện nhiều nguồn tin cho rằng Moscow đã chuyển giao công nghệ sản xuất MiG 1.44 cho Bắc Kinh theo một thỏa thuận thương mại quân sự.
Về kết cấu thân máy bay, ban đầu nhiều thông tin khẳng định J-20 sử dụng loại vật liệu tàng hình được phát triển dựa trên vật liệu của chiếc F-117 Mỹ bị bắn rơi ở Kosovo năm 1999.
Đô đốc Domazet-Lošo, cựu chỉ huy tình báo quân sự và cựu phó tổng tham mưu trưởng quân đội Croatia thời nội chiến ở Nam Tư, cho rằng tình báo Trung Quốc đã tìm cách mua lại từ các nông dân Serbia những mảnh vỡ và một số chi tiết quan trọng của chiếc máy bay tàng hình F-117. Giới quân sự Serbia cũng khẳng định, một số mảnh vỡ của F-117 đã lọt vào tay quân đội nước ngoài.
Tuy nhiên, Bắc Kinh sau đó đã bác bỏ và quả quyết J-20 được chế tạo bằng loại vật liệu riêng do nước này tự sản xuất.
Về động cơ, mặc dù các kỹ sư Trung Quốc tuyên bố đang phát triển động cơ mới là WS-10 để trang bị cho J-20, các chuyên gia Aviations militaires khẳng định chiến đấu cơ này vẫn sử dụng hai động cơ AL-31 dành cho các tiêm kích thế hệ 4 của Nga. Bởi loại động cơ nội địa của Bắc Kinh đang gặp nhiều khó khăn nghiêm trọng trong quá trình phát triển và vận hành thực tiễn.
Giới chuyên gia dẫn chứng việc Trung Quốc đang cố tái xúc tiến việc mua máy bay Su-35 của Nga ngay khi tiêm kích này được giới thiệu là có động cơ 117S mới, mặc dù thỏa thuận này trước đó đã bị hủy. Điều này gây nhiều nghi ngờ về việc Bắc Kinh có thể xem xét gắn động cơ mới này cho J-20 nếu như việc phát triển mẫu động cơ WS-10 tiếp tục gặp trục trặc và tiến độ tiếp tục lùi vô thời hạn.
Video Trung Quốc thử nghiệm J-20
Trong trường hợp sử dụng được động cơ tự sản xuất, để đạt được vận tốc siêu thanh, J-20 vẫn phải sử dụng đến bộ đốt tăng lực, và bộ phận này sẽ làm vô hiệu hóa khả năng tàng hình của máy bay, yếu tố sống còn để bảo vệ phi cơ trước các hệ thống radar phòng không hiện đại của đối phương.
Trong một cuộc trình diễn hai năm trước, chiến đấu cơ J-31 được cho là dùng động cơ nội địaWS-10 thử nghiệm của Trung Quốc đã bị giới quân sự chê "tơi tả" khi phụt ra những luồng khói đen kịt đằng sau động cơ, và nhiều người tuyên bố rằng chẳng cần đến radar, chỉ cần nhìn luồng khói đen này là đã đủ phát hiện máy bay "tàng hình" của Trung Quốc.
Theo các chuyên gia quân sự, công nghệ động cơ chưa phù hợp khiến J-20 chịu nhiều thua thiệt về khả năng vận hành so với đối thủ F-22 của Mỹ. Lực đẩy khô của J-20 là 7.767 kg, ít hơn 51% so với F-22. Trong khi đó, lực đẩy sau khi sử dụng bộ đốt tăng lực của F-22 lên tới 15.875 kg, lớn hơn 27% so với lực đẩy 12.246 kg của J-20.
Đây là một trong những điểm yếu lớn nhất của J-20. Nếu không khắc phục được thì Bắc Kinh sẽ không bao giờ đủ khả năng duy trì hoạt động của các tiêm kích này một cách độc lập.
Một hạn chế khác của J-20 là thiết kế thân tồn tại nhiều điểm bất hợp lý. Trong khi khoang chứa vũ khí có thể tích khá lớn để mang nhiều loại vũ khí khác nhau thì cánh của máy bay lại quá nhỏ. Ngoài ra, cấu tạo khí động học của máy bay cũng được đánh giá chưa đạt chuẩn, gây ảnh hưởng đến khả năng tàng hình và khả năng cơ động của J-20.
Như vậy để cải thiện khả năng tàng hình, J-20 sẽ phải được phủ một lớp sơn đặc biệt vô hiệu hóa sóng điện từ của radar, nhưng hiện tại Trung Quốc không có những chuyên gia hàng đầu về loại vật liệu này.
Các chuyên gia Mỹ khẳng định, hình ảnh J-20 hiển thị trên radar trinh sát mà nước này đặt ở Nhật vẫn còn khá rõ nét và khả năng tác chiến của nó chỉ tương đương máy bay F-15C thế hệ 4 của Mỹ.
Xem thêm: 'Bộ não' nhiều khuyết tật của siêu tiêm kích F-35.
Nguyễn Hoàng