Phát ngôn viên của TikTok, ứng dụng thuộc sở hữu của công ty Trung Quốc ByteDance, hôm 7/7 tuyên bố họ sẽ gỡ ứng dụng video nổi tiếng này khỏi Hong Kong. Quyết định đưa ra ngay sau khi Bắc Kinh áp luật an ninh mới với đặc khu, xác định 4 tội danh xâm phạm an ninh quốc gia gồm ly khai, lật đổ, khủng bố và cấu kết với nước ngoài.
Bề ngoài, động thái này dường như gửi tới thông điệp rằng TikTok không đồng tình với những yêu cầu giám sát và kiểm duyệt của Bắc Kinh, đồng thời thể hiện sự tách biệt rõ ràng giữa dữ liệu lưu trữ trong và ngoài Trung Quốc. Quyết tâm giữ vững nguyên tắc của TikTok còn có thể truyền cảm hứng để những công ty công nghệ khác theo chân.
Tuy nhiên, Matt Perault, giám đốc Trung tâm Chính sách Khoa học và Công nghệ tại Đại học Duke, Mỹ, cho rằng thực tế không đơn giản như vậy. ByteDance, chủ sở hữu TikTok, còn cung cấp một sản phẩm tương tự có tên Douyin, ứng dụng cũng thu hút được nhiều người dùng tại Hong Kong. Douyin không có kế hoạch rút khỏi Hong Kong như TikTok, nên ngay cả khi TikTok từ bỏ thị trường này, ByteDance vẫn có thể mở rộng số lượng người dùng và thu lợi nhuận tại đặc khu.
Douyin chưa đưa ra bất cứ thông báo nào về việc tuân thủ luật an ninh mới, nhưng Perault đánh giá ứng dụng này khó có thể hoạt động tại Hong Kong mà không chấp hành các yêu cầu của chính quyền về dữ liệu người dùng và kiểm duyệt. Vì vậy, ngay cả khi TikTok rời đi, mức độ ảnh hưởng của ByteDance tại Hong Kong, cũng như tác động của họ tới quyền tự trị của đặc khu, sẽ không thay đổi nhiều.
Thêm vào đó, việc TikTok rút khỏi Hong Kong còn tăng áp lực hành động tương tự lên các công ty Mỹ. Giới phê bình sẽ lập luận rằng bởi TikTok đã thể hiện lập trường cứng rắn bảo vệ quyền tự do, Google, Twitter, Facebook, Apple và Microsoft cũng nên làm vậy.
Tuy nhiên, Perault chỉ ra rằng ByteDance sẽ chiến thắng nếu các hãng công nghệ Mỹ rời thành phố. Do chi phí chuyển đổi đối với các nền tảng trực tuyến thấp, người dùng sẽ nhanh chóng chuyển sang những sản phẩm vẫn hoạt động sau khi nền tảng khác không còn. Theo Perault, khi các đối thủ rời thị trường Hong Kong, Douyin, cùng những công ty khác sẵn sàng tuân thủ luật an ninh, sẽ nắm lợi thế thu hút người dùng và nhà quảng cáo mới.
Chuyên gia này nhận định bên duy nhất hưởng lợi thậm chí nhiều hơn ByteDance nếu các hãng công nghệ rời Hong Kong là chính phủ Trung Quốc. Mức độ kiểm soát của Bắc Kinh đối với các công ty Trung Quốc nhiều hơn Mỹ, nên nếu phần lớn người dân sử dụng sản phẩm công nghệ Trung Quốc thay vì Mỹ, họ sẽ có nhiều thẩm quyền hơn với hệ sinh thái công nghệ.
Trên thực tế, điều này đồng nghĩa với việc tăng khả năng tuân thủ các yêu cầu về kiểm duyệt và giám sát, dẫn tới quyền tự do biểu đạt và sự riêng tư của người dân Hong Kong bị hạn chế hơn.
Chính phủ Trung Quốc còn được hưởng lợi bởi vị thế của TikTok sẽ được củng cố như một đối thủ "đáng gờm" của các công ty Mỹ trên trường quốc tế. Bắc Kinh lâu nay khao khát một công ty có sức ảnh hưởng toàn cầu để cạnh tranh với Facebook hay Google. Tuy nhiên, các sản phẩm thành công trong nội địa của họ lại bị thất thế bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc, đặc biệt tại Mỹ. Giờ đây, khi TikTok đang nhanh chóng thâu tóm thị phần, mục tiêu này ngày càng khả thi.
Mặc dù vậy, khả năng trở thành đối thủ toàn cầu với các hãng công nghệ Mỹ của TikTok còn phụ thuộc vào quan điểm của giới hoạch định chính sách về sự độc lập của công ty với Bắc Kinh.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo từng đe dọa cấm TikTok, trong khi nhiều nghị sĩ đề xuất dự luật cấm nhân viên chính phủ liên bang tải ứng dụng này. Ngoài Mỹ, áp lực đối với TikTok còn gia tăng tại nhiều nơi khác. Cuối tháng trước, Ấn Độ ban lệnh cấm TikTok cùng hàng chục ứng dụng Trung Quốc khác. Các nhà hoạch định chính sách tại châu Âu cũng đang điều tra công ty.
Bình luận viên Perault cho rằng rất khó để đánh giá liệu lo ngại của giới chính trị gia có hợp lý hay không. TikTok cho biết dữ liệu người dùng của họ lưu trữ trong các máy chủ tại Mỹ và Singapore, nhấn mạnh họ sẽ không chia sẻ chúng, hay tiến hành kiểm duyệt theo yêu cầu của Bắc Kinh.
Báo cáo công bố hôm 9/7 của TikTok cũng cho thấy họ không nhận được bất cứ yêu cầu nào từ chính phủ Trung Quốc từ ngày 1/7/2019 đến 31/12/2019, khoảng thời gian diễn ra các cuộc biểu tình ở Hong Kong bắt nguồn từ một dự luật dẫn độ. Theo Perault, những điều trên cho thấy quyết định rời Hong Kong của TikTok có thể không chịu sự ảnh hưởng của ByteDance.
Tuy nhiên, chuyên gia lưu ý TikTok và ByteDance không hoàn toàn tách biệt. Giám đốc điều hành mới của TikTok cũng là người dẫn dắt hoạt động cho ByteDance. Hơn nữa, bất chấp việc TikTok nhấn mạnh họ lưu trữ dữ liệu người dùng bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc, chính sách bảo mật của công ty vẫn cho phép họ chia sẻ thông tin người dùng với công ty mẹ hoặc các chi nhánh, bao gồm ByteDance.
Perault nhận định việc TikTok rút khỏi Hong Kong là động thái mạnh mẽ giữa lúc căng thẳng Mỹ - Trung leo thang và các hãng công nghệ của hai nước đang cạnh tranh quyết liệt.
"Quyết định này có thể không ảnh hưởng nhiều đến quyền tự do, hoặc vị thế của ByteDance tại Hong Kong. Tuy nhiên, nó mang lại lợi ích cho Trung Quốc cả về kinh tế và chính trị, đồng thời gây rắc rối cho các hãng công nghệ Mỹ", chuyên gia cho hay.
Ánh Ngọc (Theo Slate)