Suốt thời gian dài, các video chính trị không được chào đón trên TikTok, ứng dụng thuộc sở hữu của công ty ByteDance có trụ sở ở Bắc Kinh, Trung Quốc, bởi đội ngũ phát triển của công ty được cho là muốn tránh bất cứ nội dung nào khiến người dùng cảm thấy không thoải mái.
Do đó, những video chứa hình ảnh người khuyết tật, thậm chí khẩu hiệu "Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại", từng bị TikTok chặn hoặc gắn cảnh báo. Khi cuộc biểu tình sau cái chết của George Floyd, người đàn ông da màu bị cảnh sát ghì cổ đến chết ở Mỹ, nổ ra, một số người dùng TikTok cho biết hashtag "Mạng sống người da màu quan trọng" bị xóa khỏi ứng dụng.
TikTok sau đó xin lỗi và giải thích rằng đây là một sự cố nhỏ, đồng thời cho phép người dùng đăng video về làn sóng biểu tình trong những tuần gần đây, bao gồm hình ảnh cảnh sát xịt hơi cay vào đám đông, nạn hôi của trong các cửa hàng, hay cảnh những người biểu tình đỡ một người đàn ông trúng đạn. Theo các cựu điều hành viên của TikTok, nếu được đăng trong quá khứ, các video này chắc chắn bị chặn.
Tình hình thậm chí đi xa hơn, khi một số người dùng TikTok đang thử nghiệm những cách tổ chức hành động chính trị trên ứng dụng. Nhiều người dùng TikTok được cho là đã đóng vai trò lớn trong chiến dịch "phá" cuộc vận động tranh cử của Tổng thống Mỹ Donald Trump tại thành phố Tulsa tháng trước. Họ cho biết đã cố tình đăng ký hàng loạt vé rồi không tới sự kiện, khiến buổi mít tinh của Trump trở nên vắng vẻ.
Hôm 7/7, TikTok một lần nữa vướng vào tranh cãi chính trị, khi phát ngôn viên của công ty tuyên bố họ sẽ rút lui khỏi Hong Kong, ngay sau khi Trung Quốc áp luật an ninh mới tại đặc khu.
Động thái này có thể nhằm tránh những yêu cầu kiểm duyệt nội dung, hoặc chia sẻ dữ liệu người dùng, phù hợp với nguyên tắc của TikTok. Tuy nhiên, một số người nghi ngờ TikTok đang âm thầm hỗ trợ chính quyền Trung Quốc, bằng cách loại bỏ nền tảng mà những người biểu tình sử dụng để đăng video kêu gọi quyền tự chủ cho đặc khu.
TikTok còn phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng từ Mỹ, bởi nước này lo ngại công ty chủ quản có thể chia sẻ dữ liệu người dùng cho cơ quan an ninh, tình báo Trung Quốc. Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Mỹ cấm nhân viên tải TikTok trên các thiết bị của chính phủ. Trump cũng cho biết ông đang xem xét cấm TikTok, như một cách để trừng phạt Trung Quốc vì Covid-19.
Phát ngôn viên của TikTok khẳng định chính phủ Trung Quốc chưa bao giờ đề nghị truy cập vào bất cứ dữ liệu nào của người dùng, nói thêm rằng họ cũng sẽ không chia sẻ kể cả được yêu cầu. Mặc dù thuộc sở hữu của một công ty Trung Quốc, TikTok được đăng ký tại Quần đảo Cayman và giám đốc điều hành ở Los Angeles, Mỹ.
Rắc rối của TikTok diễn ra giữa cuộc tranh luận căng thẳng về phạm vi kiểm soát nội dung của các công ty mạng xã hội. Chính sách kiểm soát chặt chẽ được cho là nguyên nhân giúp TikTok đạt thành công "bùng nổ", với 315 triệu lượt tải xuống trong quý đầu năm nay, cao hơn bất cứ ứng dụng nào trong khoảng thời gian tương đương, theo hãng phân tích ứng dụng Sensor Tower.
Mặc dù ngày càng phát triển ở phương Tây, TikTok vẫn được xây dựng dựa theo hệ thống pháp lý của Trung Quốc, có nguy cơ gây khó chịu cho những người dùng quen với việc tự do nêu quan điểm. Đó có thể là lý do TikTok gần đây không chỉ nới lỏng quy định với những nội dung chính trị, mà còn cả sự khắt khe trong văn hóa.
Theo các bình luận viên của WSJ, bằng cách tuyển Kevin Mayer, cựu giám đốc người Mỹ của Walt Disney, làm giám đốc điều hành mới, TikTok đang cố gắng tìm sự cân bằng thích hợp giữa việc để người dùng tự do đề cập chủ đề nhạy cảm, nhưng vẫn duy trì không khí lạc quan tạo nên sự nổi tiếng của ứng dụng.
ByteDance phát triển TikTok vào năm 2017 từ một ứng dụng đang nổi ở Trung Quốc có tên Musical.ly, được ByteDance mua lại. Ngay từ đầu, TikTok đã sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để phát hiện những video vi phạm các quy tắc liên quan đến nội dung được cho phép. Công ty cũng tuyển các nhà điều hành nhằm xác định video nào phạm luật.
Sau khi phong trào biểu tình nổ ra ở Hong Kong năm ngoái, TikTok đã yêu cầu đội ngũ điều hành xóa các video về biểu tình cho tới giữa năm 2019, một nguồn tin am hiểu vấn đề tiết lộ. Tuy nhiên, ByteDance cho biết TikTok không xóa các video biểu tình Hong Kong vì động cơ chính trị, giải thích rằng chúng có thể bị gỡ bởi vi phạm quy tắc tránh nội dung bạo lực, ghê rợn, gây sốc và nhạy cảm.
TikTok cho hay những quyết định của họ luôn bắt nguồn từ mong muốn giữ màu sắc vui vẻ cho ứng dụng. Công ty giờ đây không đặt giới hạn đối với những bài phát biểu chính trị, miễn là chúng không vi phạm các quy tắc khác, như phát ngôn gây thù địch. Chính sách tại Mỹ của TikTok cũng do ban điều hành ở đây quyết định.
"Những chiến lược của TikTok vào thời gian đầu vô cùng khắt khe, tất cả chỉ để cố gắng duy trì không khí tích cực nhất có thể trên nền tảng. Đó rõ ràng là cách tiếp cận sai lầm", Eric Han, giám đốc phụ trách bảo mật của TikTok tại Mỹ, nêu ý kiến, nói thêm rằng TikTok đang điều chỉnh bộ quy tắc sao cho phù hợp với nền văn hóa tại nơi họ hoạt động.
Tuy nhiên, việc nới lỏng các hạn chế lại có nguy cơ khiến TikTok gặp rủi ro ở Trung Quốc, nơi chính phủ từng gây sức ép lên các doanh nghiệp không tuân theo những chuẩn mực văn hóa của họ, bất chấp người phát ngôn của TikTok khẳng định họ không tin sẽ phải đối mặt với rủi ro như vậy.
"Ứng dụng TikTok thậm chí không có mặt tại Trung Quốc. Nội dung và chính sách kiểm duyệt của chúng tôi do nhóm tại Mỹ đặt ra, không bị ảnh hưởng bởi bất cứ chính phủ nước ngoài nào", phát ngôn viên cho hay. Thay vì vận hành TikTok ở Trung Quốc, ByteDance triển khai một phiên bản tương tự có tên Douyin ở thị trường nội địa.
Đáp lại những lo ngại của Washington về rủi ro bảo mật, TikTok cho biết dữ liệu người dùng của họ lưu trữ trong các máy chủ tại Mỹ và Singapore, đồng thời nhấn mạnh họ sẽ không chia sẻ chúng. Tuy nhiên, điều này vẫn không khiến giới chức Mỹ yên tâm.
Thượng nghị sĩ Josh Hawley, người từng gọi TikTok là "cỗ máy giám sát trên mọi điện thoại tải ứng dụng xuống", đã đề xuất một dự luật cấm TikTok trên tất cả thiết bị của chính phủ, đồng thời kêu gọi Mayer, giám đốc điều hành mới của công ty, ra điều trần.
Cuối tháng trước, Ấn Độ quyết định cấm TikTok cùng hàng chục ứng dụng Trung Quốc khác, sau vụ đụng độ tại biên giới hai nước khiến 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng. New Delhi giải thích lệnh cấm xuất phát từ lo ngại an ninh mạng.
Trong khi đó, Mayer khẳng định giới chức Trung Quốc chưa bao giờ yêu cầu cung cấp dữ liệu người dùng TikTok ở Ấn Độ, nói thêm rằng họ cũng sẽ không tuân thủ nếu chính phủ Trung Quốc yêu cầu.
Ánh Ngọc (Theo WSJ)