Ủy ban Y tế Quốc gia (NHC) cho biết hơn 13,5 triệu liều được sử dụng trên toàn quốc vào ngày 23/5, nâng tổng số liều vaccine đã triển khai lên 510,8 triệu.
Trung Quốc mất 25 ngày để triển khai 200 triệu liều, thêm 16 ngày nữa để đạt mốc 300 triệu và chỉ mất 9 ngày để đạt 400 triệu vào hôm 15/5. Sau đó, chỉ trong 7 ngày, hơn 100 triệu liều được đưa vào sử dụng, với kỷ lục 17,1 triệu liều trong ngày 20/5.
Một quan chức NHC cho biết Trung Quốc có khả năng triển khai 20 triệu liều vaccine mỗi ngày. Con số này tương đương khoảng một nửa dân số California.
Shao Yiming, nhà nghiên cứu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc, cho rằng tốc độ tiêm chủng được đẩy nhanh nhờ sản lượng vaccine lớn hơn, người dân có ý thức tiêm phòng hơn sau các đợt dịch nhỏ bùng phát ở tỉnh Liêu Ninh và An Huy.
Trên toàn cầu, 1,65 tỷ liều vaccine đã được sử dụng với 5% dân số thế giới được tiêm phòng đầy đủ, theo trang dữ liệu Our World in Data. Phát biểu trước các nước G20 ngày 21/5, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cho biết, hơn 82% sản lượng vaccine trên thế giới đã về tay các nước giàu và chỉ 0,3% đến được các nước nghèo. Theo ông Guterres, G20 phải làm việc với các công ty dược phẩm, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các tổ chức tài chính quốc tế để đảm bảo công bằng trong phân phối vaccine toàn cầu.
Trung Quốc đặt mục tiêu tiêm chủng đầy đủ cho 40% dân số, tương đương với khoảng 560 triệu người, đến cuối tháng 6. Điều này khiến một số tỉnh, bao gồm Giang Tây, Cát Lâm và Sơn Đông, tạm dừng kế hoạch tiêm liều thứ nhất để tập trung vào liều thứ hai.
"Việc triển khai liều đầu tiên sẽ tạm dừng từ ngày 10/6 đến 30/6 để chúng tôi có thể tập trung phục vụ những người tiêm lần hai và đảm bảo hiệu quả tiêm chủng. Mọi người nên cố gắng tiêm mũi vaccine thứ nhất trước ngày 9/6", nhà chức trách tỉnh Giang Tây thông báo.
Cần có một tỷ lệ dân cư nhất định được tiêm phòng để đạt miễn dịch cộng đồng. Tỷ lệ đó phụ thuộc vào mức độ lây lan của virus và khả năng bảo vệ của vaccine. Trong trường hợp của Trung Quốc, 80% - 85% dân số cần được tiêm phòng Covid-19 để đạt miễn dịch cộng đồng - một mục tiêu Trung Quốc có thể hoàn thành trong năm 2021, theo ông Shao.
"Có hai yếu tố quyết định khi nào Trung Quốc sẽ đạt mục tiêu miễn dịch. Đó là số lượng vaccine và tốc độ tiêm chủng, thứ còn lại phụ thuộc vào thái độ của người dân. Nguồn cung vaccine sẽ đạt đỉnh vào giữa năm và tăng mạnh vào nửa cuối năm. Như vậy, chúng ta có điều kiện thuận lợi để đạt miễn dịch cộng đồng trong 6 tháng còn lại", ông nhận định.
Trung Quốc khởi động chiến dịch tiêm chủng trên toàn quốc vào tháng 12/2020, chủ yếu sử dụng vaccine bất hoạt hai liều của Sinovac và Sinopharm. Gần đây, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Bahrain thông báo sẽ triển khai liều vaccine bất hoạt thứ ba, cách liều thứ hai sáu tháng. Điều này đặt ra câu hỏi về thời gian bảo vệ của vaccine.
Shao cho biết các nghiên cứu về việc tiêm nhắc lại đang được tiến hành. Tuy nhiên, vaccine vẫn có tác dụng, ngay cả khi miễn dịch suy yếu.
"Miễn dịch do bất kỳ loại vaccine nào đều sẽ giảm dần theo thời gian. Nhìn chung, quá trình suy yếu sẽ diễn ra vào khoảng 6 tháng sau khi tiêm. Theo dõi sự suy giảm miễn dịch ở nhóm có nguy cơ cao và tiêm nhắc lại kịp thời là điều rất quan trọng", ông Shao cho hay.
Theo ông Shao, dù xảy ra hiện tượng trên, nhiều người vẫn có trí nhớ miễn dịch, giúp kích hoạt phản ứng chống lại virus. Nếu tình hình thay đổi, có thể cần áp dụng mũi tiêm nhắc lại.
Mai Dung (Theo SCMP)