Cuộc khủng hoảng Covid-19 được cho là đã phơi bày những "sự thật phũ phàng" về nước Mỹ, khi cách xử lý lúng túng của chính quyền Tổng thống Donald Trump khiến quốc gia này trở thành vùng dịch lớn nhất thế giới, với gần 3,5 triệu ca nhiễm nCoV và hơn 138.000 người chết.
Trong khi Trung Quốc và phần lớn châu Á cũng như châu Âu về cơ bản đã kiểm soát được dịch, số ca nhiễm tại nhiều bang Mỹ lại đang tăng kỷ lục sau những nỗ lực tái mở cửa vội vàng, khiến một số nơi phải tái đóng cửa phần lớn cơ sở kinh doanh sau một tháng mở lại.
Theo bình luận viên Ishaan Tharoor của Washington Post, chia rẽ về chính trị là nguyên nhân khiến người Mỹ không tuân thủ những hướng dẫn y tế cộng đồng cơ bản, hoặc các quy tắc cách biệt cộng đồng mà nhiều quốc gia khác đã áp dụng và gặt hái thành công nhất định.
Đại dịch đặc biệt tàn phá một số cộng đồng dễ bị tổn thương nhất tại Mỹ, trong bối cảnh tình trạng bất bình đẳng kinh tế xã hội ngày càng sâu sắc. Tuy nhiên, thay vì đoàn kết công chúng và dẫn dắt nỗ lực chống dịch toàn cầu, Tổng thống Trump lại bị chỉ trích vì làm suy yếu các tổ chức quốc tế, đổ lỗi cho các đối thủ.
Trong khi đó, Hàn Quốc, một trong những "điểm nóng" vào giai đoạn đầu đại dịch, đã triển khai chiến dịch xét nghiệm hàng loạt và truy vết tiếp xúc trên toàn quốc, khiến nCoV nhanh chóng bị khống chế. Pankaj Mishra, một tác giả người Ấn Độ, chỉ ra rằng Anh vẫn chưa làm chủ được chiến thuật này sau nhiều tháng nỗ lực.
"Những nơi khác tại Đông Á như Đài Loan và Singapore làm tốt hơn Anh nhiều. Việt Nam cũng nhanh chóng kiểm soát được virus", Mishra nhận định. Trung Quốc cũng được đánh giá là đã kiềm chế Covid-19 thành công, bất chấp những nghi ngờ về cách xử lý và hành động của họ khi đại dịch mới bùng phát.
Theo bình luận viên Tharoor, khó khăn của Mỹ và Anh trong quá trình xử lý Covid-19 có thể đánh dấu một bước ngoặt lịch sử. Đó là thời khắc các cường quốc phương Tây phải chấp nhận từ bỏ vị thế "số một" trong một số lĩnh vực nhất định, khi các quốc gia khác, đặc biệt tại châu Á, đang trỗi dậy và giữ vị trí tiên phong.
"Covid-19 cho thấy những nền dân chủ lớn nhất thế giới lại là nạn nhân của việc tự gây tổn hại cho bản thân trong thời gian dài", Mishra chỉ trích hệ thống y tế đắt đỏ của Mỹ và dịch vụ xã hội được đánh giá cao quá mức tại Anh.
"Đại dịch cũng chứng minh các quốc gia có năng lực quản trị mạnh thành công hơn rất nhiều trong việc kiềm chế virus. Họ dường như được trang bị tốt hơn để đối phó với sự sụp đổ của kinh tế - xã hội", tác giả người Ấn Độ nhận xét.
Một số nhà phân tích cho rằng công tác chống dịch yếu kém của Mỹ và Anh một phần có thể bắt nguồn từ sự tự mãn sau Chiến tranh Lạnh. "Họ tin rằng không cần học hỏi gì nhiều từ phần còn lại của thế giới. Chỉ vài tháng ngắn ngủi, một chủng virus đã phơi bày mặt trái sự ngạo mạn của người Anh và Mỹ", bình luận viên Edward Luce của Financial Times nhận xét.
"Một nửa thiên niên kỷ của lịch sử là căn cứ để người Anh và Mỹ nghĩ rằng chiến thắng luôn mặc nhiên thuộc về họ. Điều đó khiến họ không nhận ra rằng phần còn lại của thế giới đang ngày càng nhìn họ như thế nào", Luce nói thêm.
Ngay từ cuối thế kỷ 20, giai đoạn mà người sáng lập tạp chí Time gọi là "Thế kỷ Mỹ", những cuộc thảo luận về sự trỗi dậy của châu Á trong thế kỷ 21 đã xuất hiện. Bình luận viên Tharoor chỉ ra rằng tầm nhìn về "Thế kỷ Mỹ" cũng cần tới vài cú sốc địa chính trị mới được công nhận, trong đó có những cuộc chiến đẫm máu. Covid-19 có thể là một cú hích khác mở ra kỷ nguyên mới, định hình lại quan điểm về các vấn đề toàn cầu.
Tharoor cho rằng nguồn gốc của sự thay đổi không chỉ xuất phát từ sức ảnh hưởng suy yếu của một nước Mỹ đầy chia rẽ và hỗn loạn. Suốt những năm qua, các nhà hoạch định chính sách Mỹ cũng nhận ra trọng tâm địa chính trị có xu hướng dịch chuyển về phía đông, đồng thời tìm cách xoay trục chiến lược về khu vực chiếm phần lớn dân số thế giới này.
Tuy nhiên, thay vì thiết lập tầm ảnh hưởng, Washington lại phải đối mặt với những thực tế mới tại châu Á, đặc biệt là liên quan đến Bắc Kinh. Vụ ẩu đả giữa binh sĩ Ấn - Trung tại khu vực biên giới tranh chấp báo hiệu làn sóng căng thẳng mới trong thế kỷ 21 giữa hai cường quốc hạt nhân. Phương Tây cũng ủng hộ quyền tự chủ của đặc khu Hong Kong và đảo Đài Loan khi Trung Quốc tăng cường kiểm soát.
Rất nhiều vấn đề xoay quanh Trung Quốc khi nước này ngày càng tỏ ra cứng rắn hơn trong chính sách đối ngoại. Chính quyền Trump đã chọn cách đối đầu với Bắc Kinh trên nhiều "mặt trận" như thương mại hay an ninh hàng hải, dẫn tới xung đột trong quan hệ song phương ở mức gay gắt nhất suốt nhiều thập kỷ, nhưng họ cũng đồng thời gây mất lòng tin của nhiều đồng minh truyền thống tại châu Á.
Giới chức Trung Quốc nhấn mạnh sự cạnh tranh như vậy là không cần thiết. "Thế giới không nhất thiết được nhìn nhận bằng tư duy nhị phân, và những khác biệt trong các hệ thống không cần phải dẫn tới trò chơi một mất một còn", Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tuyên bố hôm 9/7. "Trung Quốc sẽ không và không thể trở thành một nước Mỹ thứ hai".
Tuy nhiên, bình luận viên Tharoor đánh giá cuộc cạnh tranh giữa hai siêu cường là thực tế không thể phủ nhận và nó đang dần phủ bóng phần còn lại của châu Á.
Trong bài xã luận gần đây, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long nhận định không có gì chắc chắn về một "Thế kỷ châu Á", đồng thời cảnh báo cách tiếp cận quá mức của Trung Quốc có thể gây tổn hại sự đoàn kết tại châu lục.
"Một nghịch lý đáng tiếc là sự trỗi dậy của Trung Quốc lại có thể tạo tiền đề cho sự sụp đổ của Thế kỷ châu Á", bình luận viên người Ấn Độ C. Raja Mohan, nhận định.
"Việc Trung Quốc trở nên hùng mạnh hơn nhiều so với tất cả nước láng giềng đồng nghĩa với việc họ không còn thấy cần đoàn kết châu Á lại với nhau. Trong lúc tìm cách vượt qua Mỹ và nắm vị trí cường quốc hàng đầu thế giới, không có gì bất ngờ nếu tham vọng của Bắc Kinh chuyển sang xây dựng một Thế kỷ Trung Quốc", Mohan nêu ý kiến.
Ánh Ngọc (Theo Washington Post)