"Ẩn mình trong xưởng đóng tàu ven sông Trường Giang, cách xa các cơ sở lớn hơn ở Thượng Hải, là tàu sân bay mới của Trung Quốc", chuyên gia hải quân H. I. Sutton ngày 15/5 nhận định, dựa trên ảnh vệ tinh mới nhất. "Đây là tàu sân bay thứ tư của Trung Quốc, chưa từng được nhắc tới trước đây. Chỉ có Trung Quốc mới có thể chế tạo tàu sân bay một cách tương đối bí mật".
Ảnh vệ tinh chụp ngày 6/5 cho thấy con tàu có tháp chỉ huy nằm ở phía trước mạn phải, với phần boong lớn bằng phẳng bên cạnh, phù hợp với khái niệm thiết kế của tàu sân bay.
Tuy nhiên, con tàu đang được chế tạo có chiều dài xấp xỉ 1/3 và chiều rộng bằng một nửa so với tàu sân bay của Mỹ hoặc Trung Quốc, ngắn hơn một chút so với tàu sân bay hộ tống trong Thế chiến II, nên chỉ phù hợp để vận hành máy bay không người lái (UAV) cánh bằng.
Sàn đáp của phương tiện đủ rộng để vận UAV có sải cánh khoảng 20 m, ví dụ mẫu CH-4 hoặc GJ-1 của Trung Quốc. Sutton và chuyên gia Michael Dahm tại Viện Mitchell có trụ sở tại Mỹ cho rằng đây là tàu sân bay chuyên dụng cho UAV đầu tiên trên thế giới.
"Sàn đáp của tàu cho phép vận hành máy bay cánh bằng, nhưng kiểu thiết kế thẳng không cho phép máy bay có người lái thông thường cất và hạ cánh cùng lúc", các chuyên gia cho biết. "Con tàu dường như không có khoang chứa riêng nên số lượng máy bay thông thường sẽ bị hạn chế rất nhiều, do đó nó nhiều khả năng là tàu sân bay UAV".
UAV ngày càng đóng vai trò quan trọng trong tác chiến hải quân. Một số nước đã thử nghiệm UAV trên tàu sân bay thông thường, trong khi các quốc gia khác như Iran và Thổ Nhĩ Kỳ lên kế hoạch chế tạo tàu sân bay UAV. Tuy nhiên, lĩnh vực này vẫn ở trong giai đoạn sơ khai.
Alessio Patalano, chuyên gia tại khoa nghiên cứu chiến tranh thuộc Đại học Hoàng gia Anh, cũng tin rằng Trung Quốc đang chế tạo tàu sân bay UAV. Chuyên gia này nhận định Trung Quốc có thể giữ kín hoạt động thử nghiệm liên quan để tránh nước ngoài theo dõi.
Nguyễn Tiến (Theo BI, AFP, Reuters)