Trong thông báo chính thức trên website, PBOC sẽ giữ bình ổn trên thị trường tiền tệ bằng nhiều biện pháp, như nghiệp vụ thị trường mở, cho vay lại, tái chiết khấu hay công cụ điều tiết thanh khoản ngắn hạn. PBOC cũng cho biết họ đã cấp vốn cho một số tổ chức tín dụng để xoa dịu căng thẳng thị trường.
Ling Tao, Phó giám đốc PBOC chi nhánh Thượng Hải nhận định rủi ro thanh khoản tại Trung Quốc "có thể kiểm soát được" và họ sẽ giữ lãi suất thị trường "ở mức hợp lý". Các tổ chức có hoạt động cho vay thực sự hỗ trợ nền kinh tế sẽ được hỗ trợ thanh khoản nếu chỉ thiếu thốn tạm thời. Với các ngân hàng khác, PBOC sẽ có "biện pháp phù hợp tùy tình hình".
Xu Gao, nhà phân tích tại công ty chứng khoán Everbright (Trung Quốc) nhận xét: "Thông điệp của họ rất rõ ràng. PBOC không muốn chứng kiến một cơn sóng thần trên thị trường tài chính Trung Quốc, và lãi suất sẽ còn giảm nữa. Họ đang cho thị trường một viên thuốc an thần".
Theo số liệu của PBOC, đến ngày 21/6, dự trữ tiền mặt của các tổ chức tín dụng đạt 1.500 tỷ NDT (242 tỷ USD). "Thông thường, 600 - 700 tỷ NDT là đã đáp ứng được nhu cầu thanh toán rồi", cơ quan này cho biết. Lãi suất cho vay qua đêm tại Trung Quốc đã giảm ngày thứ ba liên tiếp hôm qua, xuống 5,7%. Tuần trước, có lúc lãi suất này lên tới 25%.
Standard & Poor’s từng nhận định nếu PBOC không can thiệp để kiềm chế đà tăng của lãi suất, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc, đặc biệt là chất lượng tài sản và lợi nhuận của các ngân hàng, sẽ bị ảnh hưởng. Ritesh Maheshwari, chuyên gia phân tích của S&P cho biết các ngân hàng có thể chưa cần điều chỉnh danh mục tài sản khi thanh khoản vẫn cạn kiệt. Nhưng họ có thể phân bổ lại sau vài tháng.
Trong khi đó, Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC) - nhà băng lớn nhất nước này thì tuyên bố họ đã duy trì lập trường ổn định thanh khoản và kiểm soát thận trọng ngay từ đầu năm. "Sau khi trừ dự trữ bắt buộc, chúng tôi còn hơn 4.600 tỷ NDT tài sản có thanh khoản cao, như trái phiếu, các khoản vay liên ngân hàng, tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc và tiền mặt", ICBC cho biết.
Thùy Linh (theo China Daily)