Lãi suất liên ngân hàng tại nền kinh tế số hai thế giới đã tăng vọt từ đầu tháng. Sự kiềm chế của Chính phủ đang đẩy chi phí huy động vốn của nhà băng lên cao, kìm hãm động lực quan trọng cho tăng trưởng.
Đầu tuần này, Ngân hàng Phát triển Nông nghiệp Trung Quốc đã giảm một phần ba quy mô trái phiếu chào bán. Trước đó, Bộ Tài chính nước này cũng không thể bán hết số trái phiếu được đem ra đấu giá.
Tình trạng kém thanh khoản đã khiến các nhà băng phải cầu cứu ngân hàng trung ương bơm thêm tiền ra thị trường bằng cách giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR). Lãnh đạo cấp cao tại một ngân hàng lớn cho biết: "Thực sự chúng tôi hy vọng RRR có thể giảm vào ngày 19/6". PBOC vẫn chưa có phản hồi về đề nghị này.

Một số nhà phân tích, như Xu Gao tại Công ty chứng khoán Everbright lại dự đoán PBOC sẽ có biện pháp nới lỏng trong vài tuần tới. Lần cuối họ giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc là tháng 5/2012.
Việc ngân hàng thiếu hụt tiền mặt lại tới đúng thời điểm giới chức Trung Quốc đang đấu tranh với bong bóng tín dụng do gói kích thích khổng lồ năm 2009. Theo giới phân tích, hai việc này có mối liên hệ với nhau. Nếu kiềm chế được bùng nổ tín dụng trong dài hạn, PBOC có thể nới lỏng tín dụng ngắn hạn. Tuy nhiên, không như các ngân hàng trung ương phương Tây, các can thiệp quy mô lớn của PBOC đều phải phụ thuộc vào các chính trị gia. Rủi ro của việc này chính là giới chức Trung Quốc có thể hy sinh mục kiềm chế tín dụng để bơm vốn cho phát triển kinh tế.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường từng ám chỉ Bắc Kinh đang lưỡng lự trước việc thay đổi lập trường chính sách tiền tệ và tài khóa để chống lại suy giảm kinh tế, nhưng vẫn phải tăng trưởng bền vững. Li Wei, nhà kinh tế tại Standard Chartered Thượng Hải cho biết: "Hiện tại, giảm RRR sẽ gây ra tranh cãi, vì đó là tín hiệu Trung Quốc thay đổi chính sách kinh tế vĩ mô".
Các chuyên gia kinh tế phân tích vốn đầu tư nước ngoài giảm đột ngột, do Trung Quốc tăng kiểm soát dòng tiền đầu cơ và kinh tế phát triển chậm lại, là một trong những nguyên nhân chính gây thiếu hụt tiền mặt. Đó là vì các công ty không chuyển ngoại tệ thành NDT, khiến ít nội tệ chảy vào nền kinh tế. Ngoài thiếu vốn, nhu cầu tiền mặt tăng cao cũng khiến các nhà băng phải liên tiếp chi trả cho những khách hàng mua sản phẩm đầu tư của họ.
Cho đến nay, PBOC dường như vẫn muốn duy trì lập trường thắt chặt tiền tệ, hơn là hỗ trợ thanh khoản cho các nhà băng. Cơ quan này đang nỗ lực kiềm chế bùng nổ tín dụng để tránh nợ xấu và sụp đổ hệ thống tài chính.
Một bài viết trên phiên bản Financial Times của Trung Quốc, tờ báo được PBOC bảo trợ, đã phủ nhận khả năng khủng hoảng thanh khoản tại thị trường tiền tệ Trung Quốc. Bài báo cũng khẳng định một số ngân hàng gặp rắc rối do phụ thuộc quá nhiều vào vốn vay ngắn hạn trên thị trường liên ngân hàng và vượt quá giới hạn cho vay theo quy định. Theo đó, các nhà băng cần tự giải quyết vấn đề của mình và không nên trông đợi vào PBOC.
Hôm qua (18/6), PBOC bán 2 tỷ NDT tín phiếu kỳ hạn 91 ngày để rút số tiền tương đương khỏi thị trường tiền tệ. Tuy không đủ để tác động đến thị trường, nó cũng có nghĩa các nhà hoạch định chính sách nước này chưa sẵn sàng nới lỏng kiểm soát tiền tệ.
Tuần trước, PBOC cũng bơm 92 tỷ NDT vào thị trường, khá nhỏ so với nhu cầu của các ngân hàng. Chỉ 32 tỷ NDT tín phiếu và kỳ phiếu ngân hàng trung ương sẽ đáo hạn trong tuần này. Vì vậy, PBOC sẽ phải bơm thêm tiền nếu muốn cải thiện đáng kể tình hình thanh khoản hiện tại.
Wang Tao, chuyên gia kinh tế tại ngân hàng UBS cho biết: "Từ các động thái tuần trước, chúng tôi cho rằng PBOC đã xác định rõ tăng trưởng tín dụng quá nhanh là không phù hợp. Nếu các nhà băng để việc này xảy ra, PBOC sẽ chẳng ngại tăng lãi suất liên ngân hàng để chặn họ lại. Mặt khác, thiếu thanh khoản có thể khiến nhiều ngân hàng giảm bớt các khoản cho vay rủi ro và quản lý thanh khoản cẩn thận hơn".
Thùy Linh (theo WSJ)