Trung Quốc đang thắt chặt tín dụng mạnh nhất trong một thập kỷ để đưa nền kinh tế tăng trưởng bền vững hơn ở mức gần 7% mỗi năm, so với trên 9% những năm gần đây. Bùng nổ tín dụng tại Trung Quốc đã là vấn đề kéo dài nhiều năm qua. Kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008, để bảo vệ nền kinh tế khỏi suy giảm như Mỹ và châu Âu, nước này liên tục tung kích thích dưới dạng các khoản cho vay khổng lồ.
Hệ quả là tỷ lệ tín dụng trên GDP của nước này đã tăng từ 120% lên gần 200% trong gần 5 năm qua. Tốc độ trên còn lớn hơn cả Mỹ và châu Âu trước khủng hoảng. Trung Quốc cũng phải đối mặt với nguy cơ nợ xấu cao khi tín dụng tăng vọt lên 17.500 tỷ NDT giai đoạn 2009 - 2010.
Giới đầu tư đều lo ngại bong bóng tín dụng tại Trung Quốc cũng tương tự Mỹ trong cuộc khủng hoảng 2008. Một khi vỡ vụn, nó sẽ kéo cả nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới sụp đổ. Những năm gần đây, Trung Quốc bắt đầu tăng trưởng chậm lại, và việc này càng khiến viễn cảnh đó trở nên rõ ràng.
Vì vậy, từ đầu tháng, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) đã bắt đầu cắt giảm nguồn cung tiền trên thị trường liên ngân hàng. Đây là nơi các nhà băng cho vay lẫn nhau và thậm chí cho vay cả các tổ chức tín dụng đen. Việc này đã đẩy lãi suất vay qua đêm lên kỷ lục 25% tuần trước, trước khi giảm xuống 6,64% hôm qua (24/6). Lãi suất này thông thường chỉ vào khoảng 2% - 3%.
Tuy nhiên, PBOC vẫn kiên quyết không bơm thêm tiền vào thị trường. Theo Xinhua, tờ báo được coi là cơ quan phát ngôn của Chính phủ Trung Quốc, khủng hoảng thanh khoản và lãi suất liên ngân hàng tăng vọt là do tình trạng đầu cơ và tín dụng đen tràn lan. Thông tin trên càng khẳng định nghi ngờ của giới đầu tư rằng hoạt động thắt chặt tín dụng của PBOC là nhằm vào hoạt động cho vay không chính thức đã bùng nổ nhiều năm qua.
Theo Xinhua, tiền mặt trên thị trường hiện rất dồi dào. Các dữ liệu cho thấy nguồn cung tiền M2 đã tăng 15,8% trong tháng 5 so với cùng kỳ. Bài viết nhận định: "Các ngân hàng kêu thiếu tiền, thị trường chứng khoán và doanh nghiệp vừa cũng thiếu tiền. Nhưng rõ ràng nguồn cung trên thị trường rất dồi dào. Rất nhiều công ty lớn vẫn chi tiêu mạnh tay và mua các sản phẩm quản lý tài sản lãi suất cao. Nhiều dòng tiền nóng chỉ tìm cơ hội đầu cơ và tín dụng đen vẫn rất phổ biến". Xinhua kết luận việc này chứng tỏ thiếu thanh khoản không phải do nguồn cung tiền hạn chế, mà vì tiền đã "bị đặt sai chỗ" và không được đưa vào nền kinh tế thật sự.
Theo WSJ, một nguyên nhân khác của tình trạng thiếu tiền mặt tại các ngân hàng là do vốn đầu tư nước ngoài giảm đột ngột, khi Trung Quốc tăng kiểm soát dòng tiền đầu cơ và kinh tế phát triển chậm lại. Các công ty không chuyển ngoại tệ thành NDT, khiến ít nội tệ chảy vào nền kinh tế.
Dù vậy, PBOC vẫn khẳng định thị trường tài chính Trung Quốc đang trong tầm kiểm soát và các yếu tố ảnh hưởng tạm thời đến lãi suất sẽ sớm biến mất. Cơ quan này hôm qua (24/6) cũng ra thông báo: "Tất cả các tổ chức tín dụng cần tiếp tục củng cố việc quản lý thanh khoản để ổn định lại thị trường tiền tệ". Tuy nhiên, thông báo chẳng rõ ràng này của PBOC càng khiến nhà đầu tư hoang mang. Chỉ số Shanghai Composite Index mất 5,3% hôm qua, chính thức đưa Trung Quốc vào thị trường giá xuống (bear market).
Theo Bloomberg, quá trình chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng bền vững của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường sẽ có nhiều ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế trong và ngoài nước. Nhất là tại thời điểm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể thu hẹp quy mô gói kích thích tiền tệ hiện tại.
Shane Oliver, chiến lược gia đầu tư tại AMP Capital Investors (Australia) cho biết: "Chỉ đến tuần này tôi mới cảm thấy thực sự lo lắng. Mọi thứ ở Trung Quốc đang rất khác và khó đoán trước. Việc này sẽ ảnh hưởng đến toàn cầu". Năm ngoái, Trung Quốc đóng góp tới một phần ba tăng trưởng của cả thế giới.
Đây cũng là thách thức với các quốc gia phụ thuộc xuất khẩu vào Trung Quốc, như Brazil, Australia hay Hàn Quốc, trong bối cảnh các nước phát triển chưa thể phục hồi sau khủng hoảng. Lo ngại về tăng trưởng của Trung Quốc cũng khiến thị trường các nước trong khu vực lao dốc. Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 0,7% hôm nay. Kospi (Hàn Quốc) và ASX 200 (Australia) mất lần lượt 1% và 0,3%.
Nỗi lo về thanh khoản của hệ thống ngân hàng Trung Quốc còn khiến thị trường châu Á xuất hiện lực bán tháo và dìm giá vàng đi xuống. Ngay khi mở cửa phiên châu Á ngày 24/6, mỗi ounce đã lao dốc 18 USD, xuống 1.280 USD.
Tuy vậy, David Loevinger, cựu cố vấn các vấn đề về Trung Quốc tại Bộ Tài chính Mỹ lại cho rằng: "Thắt chặt tín dụng hiện tại sẽ củng cố triển vọng tăng trưởng bền vững cho Trung Quốc về sau. Việc này tốt cho cả họ và thế giới".
Đồng quan điểm với Loevinger, Manoj Pradhan - chuyên gia kinh tế tại Morgan Stanley London cho biết Mỹ và Nhật Bản có nhiều tín hiệu hồi phục cũng có nghĩa thế giới "có nền tảng tốt hơn để hỗ trợ khi Trung Quốc bắt đầu chậm lại". Theo ông, Trung Quốc tăng trưởng đồng đều hơn là việc mà kinh tế toàn cầu hoàn toàn có thể chấp nhận được trong thời điểm hiện tại.
Thùy Linh (tổng hợp)