Phó đại sứ Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc Đới Binh nói với Hội đồng Bảo an rằng các biện pháp trừng phạt "ngày càng leo thang và toàn diện" nhắm vào Nga sẽ đánh vào thị trường thực phẩm và năng lượng quốc tế, "ảnh hưởng đến cuộc sống bình thường của nhiều người và gây ra những vấn đề nhân đạo mới".
Truyền thông Trung Quốc hôm nay dẫn lời ông Đới cho hay phần lớn các nước đang phát triển trên thế giới không phải bên tham chiến và không nên bị lôi kéo vào cuộc xung đột hiện nay giữa Nga và Ukraine, hay hứng chịu hậu quả từ mâu thuẫn địa chính trị và trò chơi nước lớn.
"Áp đặt lệnh trừng phạt và phong tỏa kinh tế sẽ chỉ làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu lương thực và biến động giá cả, tiếp tục phá vỡ chuỗi cung ứng của ngành công nghiệp thực phẩm thế giới, đẩy giá lương thực lên cao và tạo gánh nặng không cần thiết cho các nước đang phát triển", phó đại sứ Trung Quốc nói.
Ông Đới kêu gọi quốc tế phối hợp mạnh mẽ hơn để đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu.
Trung Quốc đang nỗ lực duy trì hành động cân bằng trong xung đột Nga - Ukraine, bất chấp sức ép ngày càng tăng từ phương Tây. Trung Quốc nằm trong số 38 quốc gia bỏ phiếu trắng trong cuộc bỏ phiếu nghị quyết của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ngày 25/3 lên án chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine.
Bắc Kinh cũng từ chối lên án chiến dịch quân sự hoặc cắt đứt quan hệ kinh tế với Nga, kêu gọi một giải pháp hòa bình và tôn trọng chủ quyền Ukraine. Trung Quốc cho biết Algeria, Ai Cập, Pakistan và Zambia đều ủng hộ lập trường của họ và lên án các lệnh trừng phạt.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị ngày 30/3 gặp người đồng cấp Pakistan Shah Mahmood Qureshi, bày tỏ quan ngại về "tác động lan tỏa của các lệnh trừng phạt đơn phương".
Trong cuộc gặp trước đó với Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi, ông Vương cho biết Trung Quốc sẽ hỗ trợ quốc gia Đông Nam Á đang giữ chức Chủ tịch G20 "loại bỏ những trở ngại" khỏi chương trình nghị sự của hội nghị thượng đỉnh G20 cuối năm nay.
Phó đại sứ Trung Quốc tại LHQ cho biết xung đột kéo dài không mang lại lợi ích cho bất cứ ai, đồng thời khuyến khích Mỹ, NATO và Liên minh châu Âu (EU) đối thoại với Nga.
Ông Đới cũng cảnh báo thách thức nghiêm trọng đối với an ninh lương thực toàn cầu, yêu cầu các cơ quan liên quan của LHQ đóng vai trò tích cực để giúp đỡ các nước đang phát triển chống lại tác động từ cuộc khủng hoảng này.
Giá lúa mì tăng hơn 50%, lên mức cao kỷ lục, sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine, trong khi giá ngô, dầu hướng dương và phân bón cũng tăng. Nga và Ukraine chiếm 23% tổng lượng xuất khẩu lúa mì toàn cầu. Nga là nước xuất khẩu phân kali hàng đầu thế giới, loại phân bón quan trọng cho các loại cây trồng chủ lực.
Mùa vụ canh tác của Ukraine đang bị gián đoạn do chiến sự, trong khi hoạt động xuất khẩu của Nga bị ảnh hưởng nghiêm trọng bới các lệnh trừng phạt. Phát ngôn viên của Chương trình Lương thực Thế giới Abeer Etefa hồi tháng 2 cho biết chiến sự tại Ukraine có thể khiến hàng triệu người ở Trung Đông và Bắc Phi rơi vào cảnh đói nghèo.
Ai Cập đã áp dụng chính sách trợ cấp bánh mì cho dân chúng, trong khi Yemen, quốc gia đang lâm vào cuộc nội chiến kéo dài, cảnh báo rằng nhiều người sẽ không đủ khả năng mua thực phẩm.
Nguyễn Tiến (Theo SCMP)