Ngày 21/2, chính phủ Trung Quốc ban hành bản quy hoạch đô thị, trong đó nêu rõ cấm xây dựng những công trình kiến trúc kỳ quái. Theo SCMP, sau hai tháng họp bàn tại Hội nghị xây dựng đô thị, các lãnh đạo đưa ra cam kết nhằm giải quyết nhiều vấn đề tồn tại của đô thị như ô nhiễm, an toàn công cộng và ùn tắc giao thông. Lần gần nhất khi hội nghị này tổ chức vào năm 1978, mới có 18% dân số sống ở các thị trấn và thành phố. Hiện con số này lên tới 55% tương đương 750 triệu người tính đến cuối năm ngoái.
Những tòa nhà có kiến trúc kỳ quái như này hiện bị cấm xây dựng ở Trung Quốc. Ảnh: shanghaiist |
Theo chỉ thị này, các công trình kiến trúc đô thị phải "phù hợp, kinh tế, xanh và ưa nhìn", đối lập với xu hướng "quá khổ, sính ngoại, kỳ quái" như nhiều công trình mọc lên ở khắp các thành phố đại lục trong thời gian qua. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho rằng hiện tượng này phản ánh "sự thiếu niềm tin vào văn hóa và thái độ méo mó của một số quan chức về thành tựu chính trị". Những công trình trái quy định sẽ bị phá dỡ trong vòng 5 năm tới.
Nhiều tòa nhà với hình dáng kỳ lạ ngày càng xuất hiện dày đặc ở các thành phố, bao gồm cả trụ sở của đài CCTV tại Bắc Kinh có hình như chiếc quần khổng lồ. Bản sao của nhiều kiến trúc phương tây nổi tiếng như Nhà Trắng, tháp Eiffel và London Bridge có thể tìm thấy ở nhiều thành phố.
Một trong những công trình nhái kiến trúc cầu tháp London ở Trung Quốc. Ảnh: cpf. |
Lưu Thạch Lâm, Viện trưởng Viện khoa học đô thị tại Đại học Giao thông Thượng Hải cho biết một số quan chức thành phố đã dành một lượng lớn tiền thuế của dân vào việc xây dựng các tòa nhà không thực tế, lạ mắt mà chẳng hề đáp ứng nhu cầu công cộng hay của thành phố. "Những tòa nhà này không có giá trị sử dụng nhiều và lại tốn rất nhiều tiền để xây dựng và duy trì. Nhiều nơi còn bị dỡ bỏ ngay sau khi hoàn thành. Chính sách mới đang đi đúng hướng", ông Lưu nói.
Xem thêm Những công trình kỳ quái ở Trung Quốc
Như Bình