Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên ngày 24/5 bác báo cáo tình báo Mỹ rằng ba chuyên gia Viện Virus học Vũ Hán phải nhập viện sau khi có triệu chứng giống Covid-19 và bệnh cúm mùa thông thường từ đầu tháng 11/2019. Ông mô tả báo cáo "hoàn toàn không đúng sự thật".
Ông Triệu nói với phóng viên rằng Viện Virus học Vũ Hán tuyên bố "không phơi nhiễm với Covid-19 trước ngày 30/12/2019", đồng thời các nhân viên và sinh viên sau đại học của viện cho đến nay "không bị lây nhiễm". Trung Quốc đã công bố về ổ dịch viêm phổi ở Vũ Hán cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vào ngày 31/12/2019.
Giới chức Trung Quốc cho biết nCoV đã được chuyển tới viện để nghiên cứu. Nhưng Bắc Kinh từ lâu luôn bác bỏ giả thuyết virus bị "rò rỉ" từ phòng thí nghiệm của họ và bùng phát thành đại dịch toàn cầu.
Chính quyền cựu tổng thống Mỹ Donald Trump nghi ngờ virus có thể đã thoát ra từ một phòng thí nghiệm của Trung Quốc, điều Bắc Kinh phủ nhận.
Khi nhiệm kỳ của chính quyền Trump gần kết thúc, Bộ Ngoại giao Mỹ công bố tài liệu cho biết "chính phủ Mỹ có lý do để tin rằng một số nhà nghiên cứu Viện Virus học Vũ Hán đã bị bệnh vào mùa thu năm 2019, trước khi trường hợp Covid-19 đầu tiên được xác định, với các triệu chứng phù hợp với cả Covid-19 và các bệnh thường gặp theo mùa". Tài liệu không cho biết có bao nhiêu nhà nghiên cứu nhiễm bệnh.
Hồi tháng 3, sau 4 tuần điều tra nguồn gốc Covid-19 ở Vũ Hán, nhóm chuyên gia WHO và Trung Quốc cho rằng giả thuyết này "cực kỳ khó xảy ra". Các chuyên gia ủng hộ giả thuyết nCoV lây truyền từ động vật sang người, có thể vật chủ là loài dơi, thông qua một động vật trung gian khác chưa được xác định.
Tuy nhiên, nhiều người cho rằng các chuyên gia WHO không được tạo đủ điều kiện để tự do điều tra ở Vũ Hán. Mỹ, Na Uy, Canada, Anh và các quốc gia khác bày tỏ lo ngại về nghiên cứu nguồn gốc Covid-19 do WHO dẫn đầu, đồng thời kêu gọi điều tra thêm, truy cập đầy đủ tất cả dữ liệu thích hợp liên quan người, động vật và các dữ liệu khác về giai đoạn đầu bùng phát.
Trung Quốc hồi tháng 2 từ chối cung cấp dữ liệu thô về các trường hợp Covid-19 ban đầu cho nhóm do WHO dẫn đầu đang điều tra nguồn gốc đại dịch, theo một trong những điều tra viên của nhóm. Điều này có khả năng làm phức tạp nỗ lực tìm hiểu cách thức dịch bệnh bùng phát.
Kể từ khi bùng phát ở Vũ Hán cuối năm 2019, Covid-19 đã khiến gần 168 triệu người nhiễm và gần 3,5 triệu người chết trên toàn cầu.
Thanh Tâm (Theo AFP)