Thông tin này được Wall Street Journal đăng hôm 23/5, dẫn một báo cáo tình báo chưa được công bố của Mỹ. Báo cáo tình báo cung cấp thông tin mới về số lượng nhà nghiên cứu bị ốm, thời gian mắc bệnh và những lần đến viện của họ. Thông tin này có thể làm tăng sức nặng cho lời kêu gọi tiến hành cuộc điều tra rộng hơn việc khả năng nCoV có thể đã lọt ra từ phòng thí nghiệm.
Chính quyền cựu tổng thống Donald Trump nghi ngờ virus có thể đã thoát ra từ một phòng thí nghiệm của Trung Quốc, điều Bắc Kinh phủ nhận.
Khi nhiệm kỳ của chính quyền Trump gần kết thúc, Bộ Ngoại giao Mỹ công bố tài liệu cho biết "chính phủ Mỹ có lý do để tin rằng một số nhà nghiên cứu Viện Virus học Vũ Hán đã bị bệnh vào mùa thu năm 2019, trước khi trường hợp Covid-19 đầu tiên được xác định, với các triệu chứng phù hợp với cả Covid-19 và các bệnh thường gặp theo mùa". Tài liệu không cho biết có bao nhiêu nhà nghiên cứu nhiễm bệnh.
Thông tin trên WSJ được đưa ra vào đêm trước cuộc họp của cơ quan ra quyết định của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), dự kiến thảo luận giai đoạn tiếp theo của cuộc điều tra nguồn gốc Covid-19.
Một phát ngôn viên của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ không bình luận về thông tin trên WSJ, nhưng cho biết chính quyền Tổng thống Joe Biden tiếp tục đặt "câu hỏi nghiêm túc về những ngày đầu đại dịch Covid-19, gồm cả nguồn gốc của nó ở Trung Quốc".
Theo bà, chính phủ Mỹ đang làm việc với WHO và các quốc gia thành viên khác để đảm bảo đánh giá mang tính chuyên gia về nguồn gốc đại dịch "không bị can thiệp hoặc chính trị hóa".
"Chúng tôi sẽ không đưa ra những tuyên bố làm tổn hại đến nghiên cứu đang diễn ra của WHO về nguồn gốc Sars-CoV-2, nhưng chúng tôi đã nói rõ rằng các giả thuyết xác đáng và tin cậy về mặt kỹ thuật nên được chuyên gia quốc tế đánh giá kỹ lưỡng", bà cho hay.
WSJ cho rằng các quan chức và cựu quan chức nắm được thông tin tình báo về các nhà nghiên cứu trong phòng thí nghiệm đã bày tỏ nhiều quan điểm về sức mạnh của bằng chứng, với một người giấu tên nói rằng cần "điều tra và chứng thực thêm".
Mỹ, Na Uy, Canada, Anh và các quốc gia khác hồi tháng 3 bày tỏ lo ngại về nghiên cứu nguồn gốc Covid-19 do WHO dẫn đầu, đồng thời kêu gọi điều tra thêm, truy cập đầy đủ tất cả dữ liệu thích hợp liên quan người, động vật và các dữ liệu khác về giai đoạn đầu bùng phát. Washington muốn đảm bảo sự hợp tác và minh bạch hơn của Bắc Kinh.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington hiện chưa bình luận.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm qua lưu ý một nhóm chuyên gia do WHO dẫn đầu đã kết luận khả năng virus lọt ra từ phòng thí nghiệm là cực kỳ khó, sau chuyến thăm Viện Virus học Vũ Hán hồi tháng 2.
"Mỹ tiếp tục thổi phồng thuyết rò rỉ phòng thí nghiệm", Bộ này cho biết trước yêu cầu bình luận của WSJ. "Họ thực sự quan tâm đến truy tìm nguồn gốc hay cố chuyển hướng sự chú ý?".
Trung Quốc hồi tháng 2 từ chối cung cấp dữ liệu thô về các trường hợp Covid-19 ban đầu cho nhóm do WHO dẫn đầu đang điều tra nguồn gốc đại dịch, theo một trong những điều tra viên của nhóm. Điều này có khả năng làm phức tạp nỗ lực tìm hiểu cách thức dịch bệnh bùng phát.
Huyền Lê (Theo Reuters)