Theo phát ngôn viên Ji Rong của đại sứ quán Trung Quốc, biện pháp của Ấn Độ có tính lựa chọn và phân biệt, nhắm vào những ứng dụng nhất định của Trung Quốc. Ông cho rằng lệnh cấm sẽ ảnh hưởng đến tình trạng việc làm tại Ấn Độ và nước này nên đối xử với tất cả các nguồn đầu tư và các nhà cung cấp dịch vụ một cách công bằng, tạo ra một môi trường kinh doanh mở và bình đẳng.
Ngày 29/6, Bộ Công nghệ Ấn Độ tuyên bố các ứng dụng bị chặn vì "gây tổn hại tới chủ quyền, an ninh quốc gia". Google cho biết vẫn đang đợi lệnh từ chính phủ Ấn Độ, trong khi Apple chưa trả lời.
Động thái này được đánh giá là bước đi mạnh mẽ nhất trong cuộc chiến online chống lại Trung Quốc kể từ khi các cuộc đụng độ ở biên giới hai nước xảy ra giữa tháng 6.
Trong số những ứng dụng bị dừng hoạt động có TikTok của Bytedance, WeChat của Tencent, UC Browser của Alibaba và hai ứng dụng của Xiaomi. Trong đó, lệnh cấm với TikTok được cho là nghiêm trọng nhất bởi Bytedance đã lên kế hoạch đầu tư một tỷ USD để xây dựng trung tâm dữ liệu và tuyển dụng tại Ấn Độ. Ước tính TikTok sẽ đánh mất hơn 200 triệu người dùng ở quốc gia đông dân thứ hai thế giới khi lệnh cấm được áp dụng.
Minh Minh (theo Reuters)