Ngày 26/6, CNBC đưa tin các bảng hiệu Xiaomi ở Ấn Độ đã được dán đè lên dòng chữ "Made in India". Chỉ một ngày sau, Liên đoàn Thương nhân toàn Ấn Độ (CAIT) đã lên án mạnh mẽ Manu Kumar Jain, người đứng đầu bộ phận tiếp thị Ấn Độ của Xiaomi.
Đại diện CAIT gọi chiến dịch "xoá vết" thương hiệu Trung Quốc bằng dòng chữ "Made in India" là vô cảm, thiếu tôn trọng người dân tại đây. "Điều này rất khác với tinh thần dân tộc hiện tại", CAIT thông báo. Tổ chức này tin rằng Jain đang làm tổn thương sâu sắc hàng triệu người Ấn Độ khi phong trào tẩy chay hàng Trung Quốc của người dân đang sôi sục.
"Đó là hành động lấp liếm thiếu tôn trọng với người dân. Chúng tôi trân trọng thương hiệu 'Made in India'. Đừng bao giờ dùng nó để che đậy cho một thương hiệu không phải của Ấn Độ. Chúng tôi sẽ tiếp tục tẩy chay Xiaomi cũng như những thương hiệu Trung Quốc khác", tài khoản Gautam Ambani bình luận. Trên khắp các mạng xã hội tại đây, "tẩy chay hàng Trung Quốc" đang là chủ đề nóng với hàng triệu người tham gia.
Hiện tại, bốn trong năm thương hiệu smartphone phổ biến nhất Ấn Độ là của Trung Quốc, bao gồm Xiaomi, Vivo, Oppo, Realme. Dữ liệu do Canalys công bố trong quý I/2020 cho thấy smartphone Trung Quốc chiếm gần 73% thị trường này. Thương hiệu duy nhất trong top 5 không đến từ Trung Quốc là Samsung, chiếm 18,9%.
Khi căng thẳng leo thang, Hiệp hội bán lẻ di động Ấn Độ (AIMRA) đã gửi thư cho các thương hiệu điện thoại di động Trung Quốc khuyến cáo về việc một số cửa hàng có thể bị tấn công. Arvinder Khurana, Chủ tịch Hiệp hội, đề nghị các chủ sở hữu thương hiệu tìm một miếng vải hoặc bảng tạm thời che logo hoặc đơn giản là gỡ bảng quảng cáo trong một khoảng thời gian.
Trước khi ra lệnh "xoá vết" thương hiệu Trung Quốc, đại diện Xiaomi từng nhiều lần tuyên bố việc kinh doanh của họ gần như không bị ảnh hưởng. Làn sóng tẩy chay chỉ diễn ra trên mạng xã hội. Trong cuộc phỏng vấn với CNBC ngày 24/6, Jain khẳng định hầu hết smartphone, TV của Xiaomi được sản xuất tại Ấn Độ. "Công ty hoàn toàn do người Ấn Độ lãnh đạo, tạo công ăn việc làm cho 50.000 người và 100% thông tin người dùng được lưu giữ trong nước", Jain nói.
Khương Nha