Thứ tư, 27/11/2024
Thứ hai, 11/12/2023, 17:00 (GMT+7)

Trưng bày loạt nông cụ làm lúa gần trăm năm trước ở miền Tây

Loạt nông cụ từng được nông dân miền Tây dùng làm lúa hàng trăm năm trước như cấy, phản, bừa, táo, cối, nia... được trưng bày tại Festival lúa gạo ở Hậu Giang.

Hai loại bồ đập lúa ở miền Tây, phổ biến 50-80 năm trước trưng bày trên "Con đường lúa gạo" tại TP Vị Thanh, sáng 11/12.

Bồ đập lúa thường có khung bằng gỗ, bao quanh là mây bồ hoặc các mảnh tre đan... Miệng bồ được gắn bàn đập có thân chính là mảnh gỗ hình chữ nhật, dày và nặng. Lúa sau khi đưa về điểm tập kết sẽ được nông dân chia ra từng bó đập vào bồ cho hạt rụng ra.

Len, phản, táo là các loại dụng cụ lần lượt dùng làm đất, phát cỏ, đong lúa được của nông dân miền Tây sử dụng cả trăm năm trước.

Các loại nọc cấy lúa, được nông dân sử dụng cách đây hơn 70 năm. Ngày xưa, sau khi phát cỏ trên đồng nước, nông dân (đa số là phụ nữ) cầm cây nọc mổ đất rồi nhét tép mạ vào, gọi là cấy lúa. Cây nọc cấy ở Nam bộ thường thường dài 10-50 cm (tuỳ vào điều kiện đồng ruộng), được làm bằng những loại gỗ cứng, bền chịu được nắng, nước.

Tại miền Tây, nhiều thế hệ nông dân trước đây đã dùng vòng gặt lúa làm bằng nhánh gỗ tự nhiên hình chữ V hoặc ghép lại, thường là gỗ cây mù u. Thông thường một nhánh làm thân, nhánh còn lại là tay cầm. Một nhánh được vót nhọn ở đầu để móc và gom bông lúa. Một lưỡi hái được tra thẳng góc với mặt phẳng chữ V về phía dưới để cắt lúa chín. Nhiều nông dân dùng lưỡi hái riêng rẽ với vòng gặt để thu hoạch lúa.

Bừa trâu - dụng cụ làm đất trồng lúa của nông dân Danh Kéo ở xã Giục Tượng, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang, còn lưu lại, được trưng bày tại sự kiện.

Sau khi cày, nông dân sử dụng bừa để xới đất, cào những đám cỏ khó phân hủy. Bừa có hai phần: thân là khối gỗ chữ nhật dài 1,5-1,7 m, giữa có hai lỗ mộng để cắm hai gọng tre. Chiếc gọng dài khoảng 2 m, đuôi gọng gắn con chốt, để máng trâu vào kéo. Phần bừa có 9-10 răng bằng sắt, tre, thường dài 0,2 m. Người điều khiển trâu bừa, đứng bừa trụ chân trên thân bừa, một tay nắm vàm trâu, một tay cầm roi ra hiệu.

Tiểu cảnh trâu kéo lúa vào mùa thu hoạch. Trước đây khi máy móc chưa phổ biến, nhất là ở những vùng ruộng thấp trũng, người dân cắt lúa rồi thuê trâu kéo về đập vào bồ lúa cho rụng hạt hoặc suốt bằng máy tự chế.

Người nông dân miền Tây sáng chế ra máy gié (phân loại) lúa. Máy được cấu tạo từ khối cánh quạt (hình tròn) bằng gỗ, tôn; bên trong gắn nhiều cánh quạt nhỏ, có trục quay; miệng đổ lúa hình phễu; hai cửa thu lúa chắc và lúa gié phía dưới.

Khi cánh quạt được quay bằng tay hoặc máy, lúa đổ vào phễu. Những hạt lúa gié (lép, nhẹ) bị gió thổi bay ra cửa phía trên, còn lúa chắc hạt sẹ rớt xuống cửa phía dưới. Lúa chắc được đem bán hoặc chà, giã thành gạo cho người ăn, còn lúa lép bỏ hoặc cho gà, vịt.

Ông Hoàng Vui, 56 tuổi, khách tham quan ở TP Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang thử lại động tác giã gạo trước đây: Lúa được đổ vào cối, nông dân dùng chày giã cho vỏ bong ra để thu được gạo.

Con đường lúa gạo được thực hiện trên đại lộ Trần Hưng Đạo, cặp kinh xáng Xà No ở TP Vị Thanh, trong khuôn khổ Festival quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023, diễn ra từ 11-15/12.

Lễ hội thu hút hơn 200 đại biểu quốc tế đến từ 37 quốc gia, các tổ chức quốc tế, 12 công ty ở nước ngoài tham dự. Riêng trong nước có 256 gian hàng của doanh nghiệp.

Theo Ban tổ chức, đến hết tháng 11, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt gần 7,8 triệu tấn, trị giá hơn 4,4 tỷ USD, cao nhất từ trước tới nay.

An Bình