Gần 19h, tàu du lịch mang tên Xà No sáng đèn, neo cặp bờ kênh xáng Xà No (TP Vị Thanh, Hậu Giang), phía trên boong đã có gần 100 hành khách. Khoảng 40 phút sau, tàu bắt đầu nổ máy, quay đầu hướng về cầu cùng tên với dòng kênh. Khi tàu di chuyển trên sông cũng là lúc các nghệ sĩ trình diễn đờn ca tài tử.
Về đêm, hệ thống đèn trang trí dọc công viên hai bên bờ kênh TP Vị Thanh in bóng nước lấp lánh. Vài năm trở lại đây, thành phố đã chi gần 1.000 tỷ đồng đầu tư hệ thống bờ kè chống sạt lở dài trên 18 km, từ trung tâm thành phố kéo dài đến huyện Vị Thủy, Châu Thành A. Một dự án bờ kè 200 tỷ khác đang triển khai dài hai km đi quan huyện Châu Thành A. Bờ kè hai bên kênh đã tạo diện mạo mới cho đô thị trẻ, tựa như chiếc áo mới cho dòng Xà No.
Nhìn cảnh này, ông Nhâm Hùng - nhà biên khảo với nhiều đầu sách về đời sống, con người miệt Hậu Giang xưa, nói rằng đời sống phát triển dọc hai bên bờ kênh xáng hiện tại là một kỳ tích.
Bởi hàng trăm năm trước, khu vực nối Cần Thơ và Rạch Giá toàn đồng trũng hoang vu, lau sậy, năng, lác rộng hàng trăm nghìn ha, là nhà của hàng trăm trâu nước, voi rừng. Mùa nước nổi, người dân phải di chuyển bằng ghe xuồng, mùa khô đất nhiễm phèn, mặn, chỉ có thể trồng được lúa ma vớt vát vài bữa gạo. Đó là vùng đất mà cá sấu "nổi rền như hội", cọp nhiều vô số kể, người dân đi rừng phải dùng cây lao phụng có mũi nhọn bằng sắt để phòng thân.
Người Pháp vì muốn khai thác cánh đồng hoang hóa, vừa tạo ra đường thủy nối liền sông Cần Thơ đến sông Cái Lớn ra Biển Tây, từ năm 1901 xúc tiến đào kênh. Công ty Montvenoux lãnh thầu, sau đó dùng 4 máy xáng thi công. Mỗi máy mạnh 350 mã lực, gàu múc 375 lít, thổi bùn xa đến 60 thước. Tuyến kênh có tổng chiều dài 45 km, trong đó phần TP Cần Thơ 12 km, được đào theo đường thẳng tắp, sâu 2-9 m, rộng trên mặt nước 60 m, dưới đáy 40 m.
Đến tháng 7/1903, kênh hoàn thành, chi phí lên đến 3,6 triệu Franc. Đây là công trình đường thủy lớn đầu tiên của Nam Kỳ sử dụng máy có thể so sánh với đường xe lửa Sài Gòn - Mỹ Tho. Trong Lịch sử khẩn hoang miền Nam, nhà "Nam Bộ học" Sơn Nam miêu tả kênh đào từ con rạch nhỏ phía Cần Thơ chảy qua xóm của người Khmer. Nơi đây có nhiều cây điên điển mọc hoang, tiếng Khmer gọi là Snor (Xà No), tên kênh xáng Xà No ra đời vì vậy.
Kênh đào xong, các chuyên gia nông nghiệp Pháp cứ cách 500 m lại cho xẻ một kênh nhỏ, 1.000 m đào một kênh lớn hơn theo lối đào "xôm lươn". Sau đó, họ tiếp tục đào nối bằng những con kênh sườn, khép kín các khu đất như những ô bàn cờ. Kênh hoàn thành đã phục vụ tưới tiêu cho khoảng 40.000 ha đất miền Hậu Giang. Dọc hai bờ kênh, người dân đến cất nhà, buôn bán.
Trước đây, xuất khẩu lúa gạo chủ yếu bằng đường biển qua Rạch Giá, Hà Tiên. Từ khi có kênh nối liền Biển Tây và sông Hậu, lúa gạo miền Hậu Giang thu gom phần lớn về chợ Cái Răng qua đường này. Năm 1899, Nam Kỳ xuất được 500.000 tấn lúa gạo, từ khi có kênh Xà No đã tăng lên 1,3 triệu tấn. Riêng Cần Thơ, mỗi năm xuất 116.000 tấn lúa gạo, đứng hạng nhất lúc bấy giờ. Bởi thế, kênh Xà No một thời được mệnh danh "con đường lúa gạo" miệt sông Hậu.
Gần 120 năm hình thành, đến bây giờ dòng Xà No vẫn giữ vị trí quan trọng đối với sản xuất nông nghiệp của Đồng bằng sông Cửu Long. Thời điểm tàu du lịch rời bến Xà No cũng là lúc hai chiếc ghe 50 tấn và 30 tấn của ông Trần Văn Bá (Mười Bá, 66 tuổi, xã Tân Tiến, TP Vị Thanh, Hậu Giang) rẽ nước trên dòng kênh. Ghe của ông Mười đi khoảng 7 km nữa qua sông Ba Voi, đến sông Nước Đục để trở về bến nhà sau khi giao lúa cho nhà máy xay xát.
Ông Mười Bá gốc Hoa Kiều ở Bạc Liêu, 16 tuổi đi bộ đội, sau năm 1975 là thương binh về miệt Vị Thanh với tài sản duy nhất là chiếc ba lô con cóc. Trong ký ức của lão nông, kênh Xà No xưa nhỏ hẹp, dọc hai bên bờ khi ấy vẫn còn những căn nhà cấp 4 xập xệ, lưa thưa... Từ trung tâm Vị Thanh, người dân phải chèo xuồng, hoặc đi bộ trên những đường đất, vượt cầu khỉ để vào xóm ấp.
Cưới vợ xong, ông Mười được cho 6 công đất nhiễm phèn nặng bên dòng kênh. Thấy làm lúa một vụ năng suất một công chỉ 300-400 kg, ông chuyển sang trồng khóm, vốn là loại cây chịu phèn giỏi. Nhờ kết hợp trên khóm, dưới cá lóc đồng, chỉ sau mấy năm ông làm ăn có lãi.
Sau gần 40 năm bám rễ bên dòng Xà No, ngoài nghề lái lúa, bán vỏ lãi composite, phân thuốc, ông Mười còn có tổng cộng hơn 10 ha khóm, kiêm Giám đốc Hợp tác xã tại địa phương với 38 thành viên, vùng trồng nguyên liệu rộng hơn 75 ha. Đoạn đường đất, cầu khỉ trước đây đã được đầu tư đường dal, cầu bê tông, ôtô có thể vào đến tận nhà.
"Không có kênh xáng Xà No dẫn nước từ sông Cần Thơ về đẩy lùi nước mặn từ biển vào, đất đai sẽ mãi bị phèn mặn, người dân sẽ không được như bây giờ", ông Mười đúc kết. Ruộng khóm mang tên Cầu Đúc, do các thành viên hợp tác xã trồng nằm trong diện tích 1.600 ha khóm toàn địa phương, được bảo hộ thương hiệu, mỗi ngày xuất chừng 3.000 trái đi Cần Thơ, An Giang và Bình Dương.
Ngoài nông nghiệp, tỉnh Hậu Giang còn tính khai thác dòng Xà No phát triển du lịch. Đứng bên bến tàu cặp kênh xáng tổng kinh phí 7 tỷ đồng sắp hoàn thành, gồm trạm dừng chân và hệ thống quầy bán quà lưu niệm, ông Lê Minh Dũng, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến du lịch Hậu Giang, cho biết dự án tàu Xà No là sản phẩm du lịch chủ lực của tỉnh sau khi bị tác động mạnh bởi Covid-19.
"Chúng tôi kỳ vọng tàu chạy trên kênh là cú hích cho du lịch địa phương sau đợt ngủ đông kéo dài", ông Dũng nói và cho biết tỉnh đang đàm phán với một số nhà đầu tư từ TP Cần Thơ xây tuyến du lịch sông nước, đưa khách đi vào sâu kênh rạch nội đồng, nối miệt Hậu Giang đến tận Cần Thơ, để trải nghiệm văn hóa, lịch sử dòng kênh hàng trăm năm gắn bó với người miền Tây.
Hoàng Nam