"Những người Cộng hòa trên danh nghĩa (RINO) quanh chúng ta sẽ hủy hoại đảng và những người lao động Mỹ, cũng như chính đất nước", cựu tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 28/2 phát biểu tại Hội nghị Hành động Chính trị Bảo thủ (CPAC) ở thành phố Orlando, bang Florida, nói thêm rằng ông sẽ "tích cực làm việc để bầu ra những lãnh đạo Cộng hòa mạnh mẽ, cứng rắn và sáng suốt".
Hai người mà Trump đặc biệt nhấn mạnh là Liz Cheney, lãnh đạo số ba của đảng Cộng hòa tại Hạ viện, và Mitch McConnell, lãnh đạo phe thiểu số tại Thượng viện. Họ đều từng chỉ trích Trump gay gắt vì vai trò của ông trong vụ bạo loạn ở Đồi Capitol hôm 6/1. Bà Cheney thậm chí nhiều lần kêu gọi đảng Cộng hòa nên cắt đứt quan hệ với cựu tổng thống.
Trong bài phát biểu, Trump gọi Cheney là "người hiếu chiến", nói thêm rằng các chỉ số khảo sát về bà "sụt giảm nhanh hơn bất cứ ai" mà ông từng thấy. Trump còn tuyên bố đã giúp hồi sinh chiến dịch tranh cử của McConnell tại bang Kentucky năm ngoái, nhưng điều này được cho là không đúng sự thật.
Chính quyền Tổng thống Joe Biden cũng không nằm ngoài mục tiêu "xả giận" của Trump trong lần xuất hiện đầu tiên trước công chúng kể từ khi rời Nhà Trắng. "Chỉ trong một tháng ngắn ngủi, chúng ta đã đi từ nước Mỹ trên hết xuống nước Mỹ cuối cùng", cựu tổng thống cho hay, chỉ trích Biden về một loạt vấn đề như nhập cư và thỏa thuận hạt nhân Iran.
"Chúng ta đều biết rằng chính quyền Biden rồi sẽ tồi tệ, nhưng không ai trong chúng ta tưởng tượng nổi chuyện sẽ tồi tệ đến mức nào và đi xa đến đâu", Trump nói.
Tuy nhiên, dù kịch liệt công kích người kế nhiệm, cựu tổng thống vẫn thu hút những tràng vỗ tay lớn hơn với cam kết "thanh lọc" đảng Cộng hòa. "Hãy loại bỏ hết những người đó", Trump đề cập đến nhóm phản đối ông trong đảng.
Theo bình luận viên Jonathan Martin và Maggie Haberman của NY Times, "lời tuyên chiến" của Trump và phản ứng nhiệt tình từ đám đông cho thấy tình thế tiến thoái lưỡng nan của đảng Cộng hòa. Sự chú ý đổ dồn về Trump và những kế hoạch tương lai của ông được cho là gây cản trở nỗ lực "lấy lại những gì đã mất" của đảng Cộng hòa.
Ngay cả khi phe Dân chủ kiểm soát cả Nhà Trắng lẫn lưỡng viện quốc hội lần đầu tiên sau hơn 10 năm, nhiều đảng viên Cộng hòa phát biểu tại CPAC đề cập rất ít về Biden, hay gói kích cầu trị giá gần 2.000 tỷ USD mà Hạ viện vừa thông qua hôm 27/2, biện pháp mà các nghị sĩ Cộng hòa đều nhất trí phản đối.
Thượng nghị sĩ bang Texas Ted Cruz, người hôm 26/2 dành một bài phát biểu để ca ngợi sự lãnh đạo của Trump đối với đảng Cộng hòa, giải thích rằng họ sẽ quay về các vấn đề thực tại ngay khi chương trình nghị sự của Biden trở nên rõ ràng hơn.
"Khi người dân Mỹ chứng kiến những ý tưởng tồi tệ dẫn đến mất việc làm và tước đi các quyền tự do, nền chính trị sẽ xoay chuyển theo lẽ tự nhiên", Cruz cho hay, đồng thời dự đoán rằng các nhà hoạt động đảng Cộng hòa "chắc chắn" sẽ chú ý hơn đến chính quyền hiện tại vào cuối năm nay.
Trong khi đó, tại CPAC, Trump được cho là đã nỗ lực kêu gọi quyên góp cho hai ủy ban liên kết với ông. Cựu tổng thống còn mô tả cụ thể về "chủ nghĩa Trump", coi đây là một hệ tư tưởng chính trị tập trung vào việc đàm phán địa chính trị và hạn chế nhập cư, đồng thời xây dựng hình ảnh những đảng viên Cộng hòa ủng hộ luận tội ông là "người ngoài" trong một đảng Cộng hòa thống nhất.
Các bình luận viên của NY Times cho rằng xét trên nhiều khía cạnh, lịch sử đã lặp lại với màn tái xuất của Trump tại CPAC. Năm 2011, ông cũng xuất hiện tại hội nghị này và sử dụng bài phát biểu để công kích các đảng viên Cộng hòa khác, đồng thời cảnh báo về sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Trong bài phát biểu hôm 28/2, mặc dù phủ nhận kế hoạch thành lập một đảng cánh hữu mới, Trump vẫn "bóng gió" về khả năng tranh cử vào năm 2024. "Ai biết được, tôi thậm chí có thể quyết định đánh bại họ lần thứ ba", cựu tổng thống tuyên bố, bất chấp thực tế là ông đã thất bại trước Biden năm ngoái.
Kết quả bầu cử không ngăn được Trump liên tục tuyên bố rằng ông đã chiến thắng. Sau khi liệt kê những điều mà ông ca ngợi là thành tựu trong nhiệm kỳ, cựu tổng thống trở nên sôi nổi và bày tỏ sự tức giận. "Tòa án Tối cao không đủ can đảm để giải quyết bất cứ chuyện gì", Trump đề cập đến cơ quan bao gồm ba thẩm phán do ông đề cử. Đám đông đáp lại bằng tiếng hô vang: "Ngài đã thắng, ngài đã thắng!"
Tuy nhiên, các cuộc phỏng vấn tại CPAC cho thấy nhiều người thuộc phe bảo thủ, dù vẫn ủng hộ Trump, tỏ ra phân vân về việc liệu ông có nên tái tranh cử vào năm 2024 hay không. Cuộc khảo sát được tiến hành tại hội nghị phản ánh rõ điều đó, khi Trump nhận được tỷ lệ tán thành áp đảo, nhưng 32% người tham gia khảo sát không muốn ông tái tranh cử, hoặc không chắc liệu ông có nên hay không.
Bất chấp điều đó, giới quan sát đánh giá Trump đã thể hiện ý định tranh cử lần ba một cách nghiêm túc trong bài phát biểu. Trên thực tế, cựu tổng thống và cuộc bầu cử năm 2020 vẫn duy trì được âm hưởng vang vọng, vượt xa phần còn lại của đảng Cộng hòa.
"Chúng tôi yêu ngài! Chúng tôi yêu ngài!", đám đông hô vang ngay từ lúc bắt đầu hội nghị hôm 28/2.
Sau khi bước lên bục phát biểu, Trump, người tái xuất sau 5 tuần, đặt câu hỏi: "Mọi người đã thấy nhớ tôi chưa?".
Ánh Ngọc (Theo NY Times)