Ngay trong năm đầu tiên nhiệm kỳ, Tổng thống Donald Trump có chuyến thăm chính thức tới Bắc Kinh, nơi ông đã trò chuyện vui vẻ với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Tử Cấm Thành và ca ngợi mối quan hệ cá nhân tốt đẹp giữa hai lãnh đạo. Nhưng một năm sau, Trump phát động cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, đồng thời quyết không chấp thuận thỏa thuận mà ông cho là không có lợi cho nước Mỹ.
Thỏa thuận thương mại "mang tính lịch sử" Mỹ - Trung giờ vẫn bỏ ngỏ và khó có thể đạt được trước khi Trump kết thúc nhiệm kỳ đầu tiên ở Nhà Trắng, đặc biệt khi quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh ngày càng lao dốc trên nhiều vấn đề, như Covid-19, Hong Kong, Đài Loan và Biển Đông. Chính phủ của Trump có rất nhiều người có quan điểm cứng rắn với Bắc Kinh và Ngoại trưởng Pompeo liên tục có những cuộc "khẩu chiến" gay gắt với truyền thông Trung Quốc.
Tuy nhiên, các quan chức Nhà Trắng gặp rất nhiều khó khăn khi xây dựng một chiến lược nhất quán để đối phó với Bắc Kinh, trong đó trở ngại lớn nhất đến từ chính Tổng thống Trump, người luôn thể hiện thái độ "sáng nắng chiều mưa" với Trung Quốc. Ngay cả khi đã ký ban hành luật tước bỏ trạng thái thương mại đặc biệt với Hong Kong tuần này, Trump được cho là vẫn né tránh áp lệnh trừng phạt đối với quan chức chịu trách nhiệm thực thi luật an ninh ở đặc khu, theo Bloomberg.
Điều này phản ánh sự mâu thuẫn của chính Trump trong chính sách với Trung Quốc, theo James Griffiths, bình luận viên của CNN.
Theo cựu cố vấn an ninh quốc gia John Bolton, thời điểm Washington tăng cường chỉ trích Bắc Kinh về cáo buộc vi phạm nhân quyền với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, Tổng thống Trump lại thể hiện sự ủng hộ với ông Tập trong việc xây dựng các trại tập trung ở Tân Cương.
Theo nhiều nguồn tin chia sẻ với CNN, năm ngoái, Trump từng cam kết với ông Tập rằng ông sẽ "giữ im lặng" về phong trào đòi dân chủ ở Hong Kong khi các cuộc đàm phán thương mại đang được tiến hành. Nhà Trắng khi đó lo ngại động thái chỉ trích lập trường của Bắc Kinh có nguy cơ làm đổ vỡ thỏa thuận thương mại mà Trump rất kỳ vọng.
Trong suốt cuộc chiến thương mại, Trump thường xuyên hứa hẹn về một thỏa thuận "chưa từng có", giúp mở cánh cửa Trung Quốc với nhiều công ty Mỹ, đồng thời cân bằng mối quan hệ theo hướng có lợi cho Mỹ. Khi ký thỏa thuận giai đoạn một, Trump mô tả nó "sửa chữa sai lầm trong quá khứ và mang tới tương lai công bằng và đảm bảo về kinh tế cho các gia đình, công nhân và nông dân Mỹ". Tuy nhiên, thỏa thuận này hiện bị đình trệ do căng thẳng Mỹ - Trung leo thang.
Trump hôm 14/7 cho biết đã ký ban hành Đạo luật Tự trị Hong Kong, được quốc hội thông qua hồi đầu tháng, theo đó tước trạng thái thương mại đặc biệt với Mỹ của thành phố này. Chính quyền Trump cho rằng việc Bắc Kinh áp luật an ninh mới khiến Hong Kong không còn đủ quyền tự cao để hưởng ưu đãi này.
Sau động thái này, Trump khẳng định "không có chính quyền nào cứng rắn với Trung Quốc hơn chính quyền hiện tại".
"Chúng tôi đã có các biện pháp thuế quan chưa từng có. Chúng tôi chống lại nạn đánh cắp tài sản trí tuệ của Trung Quốc ở mức độ chưa có ai thực hiện được. Chúng tôi cũng ngăn chặn các nhà cung cấp viễn thông và công nghệ không đáng tin cậy của Trung Quốc", Trump khẳng định.
Trump thêm rằng ông đã thuyết phục nhiều quốc gia không bắt tay với Huawei, như cách Mỹ đã làm, vì cho rằng nó tiềm ẩn rủi ro an ninh. "Đây là mối đe dọa an ninh lớn. Tôi đã khuyên nhiều quốc gia không sử dụng nó. Nếu họ muốn làm ăn với chúng tôi, họ không thể bắt tay với Huawei", ông nói.
Trump cũng liên tục đổ lỗi cho Trung Quốc về Covid-19, đại dịch đã xuất hiện tại hơn 210 quốc gia, vùng lãnh thổ, khiến gần 14 triệu người nhiễm và hơn 590.000 người tử vong.
Cho đến nay, Trump đã thể hiện thái độ khá cứng rắn với Trung Quốc. Tuy nhiên, theo Bloomberg, Trump lại phản đối kế hoạch trừng phạt quan chức hàng đầu của đặc khu Hong Kong và Trung Quốc đại lục, vì lo ngại làm tổn hại quan hệ với Bắc Kinh. Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ phủ nhận điều này, đồng thời cho biết "Tổng thống có thể áp lệnh trừng phạt bất kỳ lúc nào".
New York Times hôm 15/7 dẫn 4 nguồn tin giấu tên cho biết lệnh cấm vào Mỹ đối với 92 triệu thành viên đảng Cộng sản Trung Quốc và người thân đang được các quan chức chính quyền Trump xem xét. Lệnh cấm đang ở dạng dự thảo và vẫn có thể bị Trump bác bỏ.
Tuy nhiên, các động thái cứng rắn của Trump cũng kéo theo hành động trả đũa của Bắc Kinh. Sau khi Tổng thống Mỹ ký ban hành Đạo luật Chính sách Nhân quyền người Duy Ngô Nhĩ, cho phép trừng phạt các quan chức Trung Quốc bị cáo buộc đàn áp người thiểu số ở Tân Cương, Bắc Kinh đã áp lệnh trừng phạt với một số nghị sĩ Mỹ, trong đó có thượng nghị sĩ Ted Cruz và Marco Rubio.
Khi thông báo về đạo luật mới với Hong Kong tại Vườn Hồng, Nhà Trắng, ngày 14/7, Trump chia sẻ "một trong những lý do quan trọng nhất giúp tôi thắng cử là thương mại và mọi thứ liên quan tới thương mại".
Trump từng công kích Biden vì ủng hộ Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), điều mà Trump xem là "một trong những thảm họa kinh tế và địa chính trị lớn nhất trong lịch sử thế giới".
Trump đặt cược hy vọng tái đắc cử vào khả năng cứng rắn với Trung Quốc, đặc biệt là về vấn đề Covid-19, cũng như cáo buộc Biden "thân" Bắc Kinh. Tuy nhiên, ván cược này của Tổng thống Mỹ tiềm ẩn rủi ro lớn khi cuộc khảo sát của Đại học Quinnipiac, ở Connecticut, chỉ ra Biden đang dẫn trước Trump 15 điểm phần trăm.
Tuy nhiên, Trump cũng cho rằng lập trường về kinh tế là "chìa khóa" giúp ông đắc cử. "Khi Trump luôn muốn giữ hy vọng về thỏa thuận thương mại dù là mong manh nhất, ông sẽ né tránh đường lối cứng rắn với Bắc Kinh theo cách mà các cố vấn mong muốn", bình luận viên Griffiths nhận định.
Thanh Tâm (Theo CNN)