Tổng thống Mỹ Donald Trump đang tức giận. Chưa đầy hai tuần trước cuộc bầu cử, ông liên tục tung ra những đòn công kích nhằm vào truyền thông "tin giả", các cuộc thăm dò dư luận "gian lận" và hơn hết là nhằm vào tiến sĩ Anthony Fauci, cố vấn y tế Nhà Trắng, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm hàng đầu đất nước.
"Người dân đã mệt mỏi vì Covid. Họ đã mệt mỏi vì nghe Fauci và tất cả những kẻ ngu ngốc đã phạm sai lầm. Nếu Nhà Trắng nghe lời Fauci, nước Mỹ có thể đã ghi nhận hơn 500.000 người chết", Tổng thống Trump nói trong cuộc điện thoại với nhân viên chiến dịch tranh cử hôm 19/10, đồng thời gọi cố vấn y tế của mình là "một thảm họa", theo New York Times.
Đây không phải lần đầu tiên Trump công kích Fauci nhưng điều khiến các đảng viên Cộng hòa bối rối là việc ông chọn thời điểm nhạy cảm như hiện tại, khi ngày bầu cử cận kề, để khiến dư luận chú ý tới thất bại của chính quyền trong nỗ lực chống Covid-19.
Một cuộc thăm dò hồi cuối tháng trước do Quỹ Gia đình Kaiser thực hiện cho thấy 68% người dân Mỹ tin Fauci đã cung cấp "hợp lý hoặc vừa đủ" lượng thông tin đáng tin cậy về Covid-19, trong khi gần 40% tin tưởng Tổng thống Trump.
Theo một cuộc thăm dò khác của Đại học Quinnipiac hồi tháng 7, 2/3 số người được hỏi không tin thông tin mà Tổng thống Trump đưa ra nhưng lại tin tưởng cố vấn Fauci.
Ngay cả với người ưa mạo hiểm như Trump, việc liên tục công kích cố vấn y tế Fauci tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, giới chuyên gia nhận định. Vấn đề đặt ra với Tổng thống Mỹ là người mà ông đang công kích lại được công chúng tín nhiệm hơn chính bản thân ông.
Trump có thể làm hài lòng những người hâm mộ cuồng nhiệt của mình song hành động này khó lòng thuyết phục những cử tri nữ và cử tri đang dao động, theo bình luận viên Deven Kanal từ trang tin First Post. Đặc biệt, những cử tri nữ vùng ngoại ô còn đang có xu hướng rời xa ông và đảng Cộng hòa.
Mặt khác, những cử tri lớn tuổi từng vui mừng trước tuyên bố của Tổng thống rằng Covid-19 chỉ là "trò lừa bịp" giờ đây chắc chắn không khỏi thay đổi thái độ khi mà chính Trump đã phải nhập viện vì nhiễm nCoV.
Với những thực tế trên, nhiều nhà phân tích cho rằng chiến lược của Tổng thống Trump công kích một chuyên gia nổi tiếng, được công chúng tin tưởng như cố vấn y tế Fauci, sẽ không mang lại bất kỳ lợi ích nào cho ông, thậm chí còn phản tác dụng.
Theo bình luận viên Chris Cillizza từ CNN, nếu Tổng thống Trump coi việc công kích Fauci là một phần trong chiến lược giành thắng lợi thì ông đang "làm việc vô nghĩa" và rằng Fauci là người Trump không nên công kích nếu muốn giành chiến thắng cuộc bầu cử.
"Thật khó có thể tưởng tượng được điều gì ngốc nghếch hơn việc chọn công kích Fauci như thông điệp kết thúc cho một chiến dịch tranh cử đang phải xây dựng lại uy tín với cử tri, đặc biệt là phụ nữ, về vấn đề Covid-19", ông nói.
Theo bình luận viên tờ Washington Post Aaron Blake, tuyên bố của Tổng thống Trump rằng nước Mỹ sẽ phải ghi nhận đến 500.000 người chết nếu Fauci chịu trách nhiệm hoàn toàn về nỗ lực chống Covid-19 "không có cơ sở thực tế".
Trên tờ Sydney Morning Herald, bình luận viên Matthew Knott đánh giá hành động hạ bệ Fauci chính xác là kiểu hành vi mà các chiến lược gia đảng Cộng hòa muốn Tổng thống Trump tránh thực hiện ở thời điểm chiến dịch tranh cử đang khép lại.
"Không có lợi ích chính trị nào đạt được từ việc công kích một gương mặt công chúng nổi tiếng và đáng kính", Knott cho hay, đồng thời thêm rằng việc Tổng thống Trump tranh cãi với cố vấn Fauci sẽ chỉ khiến đại dịch Covid-19 bị chú ý nhiều hơn.
Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy 6 trên 10 người Mỹ không đồng tình với cách mà Tổng thống Trump ứng phó với đại dịch.
"Những đòn công kích mà Trump tung ra nhằm vào Fauci mang tính tâm lý hơn là chính trị, chúng làm bật lên nhu cầu thể hiện quyền lực thống trị của ông, chống lại bất kỳ ai mà ông coi là mối đe dọa. Fauci trong khi đó vẫn tiếp tục thẳng thắn về dịch bệnh, ngay cả khi chúng không phải điều Trump muốn nghe", Knott nói.
Vũ Hoàng (Theo First Post)