Đầu năm ngoái, Tổng thống Mỹ Donald Trump họp với quản lý chiến dịch tranh cử Brad Parscale và các phụ tá khác tại Nhà Trắng, yêu cầu tìm cho ông một nền tảng mạng xã hội để sử dụng ngoài Twitter.
Một người trong cuộc họp đã bày tỏ lo lắng rằng Twitter - công cụ chính của Trump để giao tiếp với những người ủng hộ và thế giới bên ngoài, có thể cấm ông đăng những nội dung gây tranh cãi. Đội ngũ của Trump và Parscale đã thảo luận liệu Tổng thống có nên chuyển sang sử dụng mạng xã hội Parler, nền tảng thân thiện với Trump hay không. Thay vì Twitter, ông có thể đăng các bài viết lên Parler đầu tiên để chuyển hướng người ủng hộ sang nền tảng này.
Nhưng Trump không đồng ý triển khai ý tưởng trên, theo hai nguồn tin am hiểu cuộc thảo luận. Ông quá thích Twitter, đặc biệt là lượng người theo dõi khổng lồ trên nền tảng này. Nhưng giờ đây, sau khi Twitter đóng tài khoản @realDonaldTrump với hơn 88 triệu người theo dõi hôm 8/1, Tổng thống không còn lựa chọn nào khác ngoài việc bắt đầu lại từ đầu ở một nơi khác.
Trump mất đi công cụ hữu hiệu Twitter đúng lúc ông phải đối mặt với thách thức chính trị to lớn: Làm thế nào để giữ ảnh hưởng với đảng Cộng hòa sau cuộc bạo loạn gây chết người tại Đồi Capitol và khi ông đang bị Hạ viện do đảng Dân chủ kiểm soát xem xét bãi nhiệm.
"Rõ ràng Twitter là cái loa của Tổng thống đối với những người ủng hộ và giới truyền thông. Thực tế, nếu không có Twitter, ông ấy có thể đã không đắc cử năm 2016", Tony Fabrizio, nhà thăm dò ý kiến làm việc cho Trump năm 2016 và 2020, cho biết.
"Mặc dù tôi chắc chắn ông ấy sẽ tìm ra phương tiện khác để giao tiếp với những người ủng hộ trung thành, việc mất khả năng giao tiếp với 88 triệu người cùng một lúc chắc chắn sẽ làm giảm phạm vi tiếp cận của ông ấy sau khi chính quyền mới tiếp quản ngày 20/1", Fabrizio nói thêm.
Các cố vấn của Trump đã chuẩn bị một bộ máy chính trị hậu Nhà Trắng để có thể công kích các đảng viên Cộng hòa mà ông coi là không trung thành, như Thống đốc Georgia Brian Kemp, Thượng nghị sĩ Nam Dakota John Thune và Thượng nghị sĩ Alaska Lisa Murkowski. Trump sẽ có một kho vũ khí tài chính khổng lồ khi đã huy động được hàng trăm triệu USD từ sau ngày bầu cử, phần lớn số đó đổ về ủy ban hành động chính trị mới do ông thành lập.
Nhưng vũ khí chính trị mạnh mẽ nhất của Trump vẫn luôn được coi là tài khoản Twitter, từ lâu đã được Tổng thống sử dụng để tập hợp người ủng hộ chống lại những người mà ông cảm thấy đã đối đãi bất công với mình. Trump liên tục chỉ trích Kemp và Thune trên Twitter trong vài tháng qua, cáo buộc họ phá hoại nỗ lực lật ngược kết quả bầu cử.
Mạng xã hội này phục vụ tốt cho mục tiêu của Trump là "uốn nắn" đảng viên Cộng hòa theo ý mình, cho phép ông đăng hết lời công kích này đến lời công kích khác. Các hãng truyền thông sau đó lại đưa tin về những bài đăng này, tiếp tục khuếch đại thông điệp của nó.
Trump đã sử dụng Twitter trong cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2018 để kêu gọi người ủng hộ quay lưng với các đảng viên Cộng hòa tiếng tăm một thời như cựu nghị sĩ Nam Carolina Mark Sanford, cựu thượng nghị sĩ Arizona Jeff Flake và cựu thượng nghị sĩ Tennessee Bob Corker, những người cuối cùng thất bại trong nỗ lực tái tranh cử hoặc chọn nghỉ hưu. Trong mùa bầu cử năm 2020, ông tập trung công kích nghị sĩ Michigan Justin Amash, người đã rời đảng Cộng hòa và không tái tranh cử.
"Trump vừa thua cuộc chơi yêu thích của mình và giờ phải ra sân", Scott Reed, cựu cố vấn chính trị cấp cao của Phòng Thương mại Mỹ, nói về quyết định khóa tài khoản của Twitter.
Khi chuẩn bị cho chiến dịch tái tranh cử năm 2020, các cố vấn của Trump đã nhận ra nguy cơ lớn nếu Tổng thống bị cấm trên Twitter. Các phụ tá thảo luận với Tổng thống vào năm ngoái về việc biến Facebook trở thành mạng xã hội chính vì cho rằng đây là nền tảng thân thiện với cộng đồng bảo thủ hơn. Các cuộc trò chuyện về Parler tiếp tục diễn ra vào mùa hè. Nhưng Trump luôn chọn Twitter.
Các cố vấn hiện tại và cựu cố vấn của Trump đã bị sốc trước quyết định của Twitter, một số thừa nhận nó có thể cản trở nghiêm trọng khả năng giao tiếp của Trump với công chúng hậu Nhà Trắng. Một cựu cố vấn hàng đầu của Tổng thống nhận xét: "Không có Twitter, ông ấy chỉ là một người nói chuyện với chính mình".
Chưa rõ Trump sẽ chuyển sang nền tảng nào sau khi bị Twitter "cấm cửa". Sau cuộc bạo loạn Đồi Capitol, Facebook và Instagram thông báo rằng Trump sẽ bị cấm "vô thời hạn", ít nhất là cho đến lễ nhậm chức ngày 20/1 của Tổng thống đắc cử Joe Biden.
YouTube cũng thông báo đình chỉ kênh của Trump trong ít nhất một tuần. Một ngày sau, Snapchat tuyên bố khóa vĩnh viễn tài khoản của Trump vì "những nỗ lực nhằm lan truyền thông tin sai lệch, phát ngôn gây thù hằn và kích động bạo lực, những hành vi rõ ràng vi phạm quy định của chúng tôi".
Từ lâu đã có đồn đoán rằng Trump có thể mở hãng tin của riêng mình khi ông rời Nhà Trắng, nhưng các phụ tá thân cận hoài nghi về ý tưởng này, cho rằng việc tung ra một nền tảng mới sẽ đòi hỏi Trump phải thành lập một doanh nghiệp lớn và tốn rất nhiều thời gian cùng chi phí.
Ngay sau khi tài khoản riêng bị đình chỉ, Trump đã chuyển sang tài khoản Twitter chính thức của chính phủ để tuyên bố rằng ông và những người ủng hộ sẽ "xem xét các khả năng xây dựng nền tảng của riêng chúng tôi trong tương lai gần".
"Chúng tôi sẽ không im lặng", Trump viết. "Hãy chờ xem".
Bài viết dường như đã bị Twitter xóa ngay sau khi nó được đăng. Twitter cũng đình chỉ tài khoản chiến dịch của Trump.
Nhiều người tin rằng Trump sẽ tìm ra phương tiện khác để truyền tải thông điệp của mình. "Tôi luôn biết rằng các mạng xã hội rất muốn chặn tổng thống. Họ chỉ chờ đợi thời điểm thích hợp. Tuy nhiên, điều này sẽ không ngăn cản khả năng giao tiếp với công chúng của Tổng thống. Ông ấy sẽ đăng ở một nơi khác", Parscale, từng là giám đốc kỹ thuật số trong chiến dịch năm 2016 của Trump trước khi trở thành người quản lý chiến dịch năm 2020, nói.
Nhiều người cho rằng Trump còn nhiều cách khác để tiếp cận truyền thông, các hãng tin chắc chắn sẽ đưa tin đậm về cuộc sống hậu Nhà Trắng của ông.
"Họ đóng lại một nền tảng chính, đúng vậy, nhưng ông ấy còn những nền tảng khác", Kevin Madden, phát ngôn viên cho chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2012 của Mitt Romney, nhận xét. "Ông ấy có thể lên sóng radio hoặc gọi đến các bản tin truyền hình cáp bất cứ khi nào ông ấy muốn. Bất kỳ thông điệp hoặc nội dung nào ông ấy muốn quảng bá, vẫn có một 'quân đoàn' ủng hộ sẵn sàng thúc đẩy nó".
Cũng có triển vọng con trai cả Donald Trump Jr. sẽ lấp đầy khoảng trống bố mình để lại trên Twitter. Trump Jr. đã gây dựng được lượng người theo dõi lớn, anh được kỳ vọng tiếp tục hoạt động mạnh và có ảnh hưởng lớn trong đảng Cộng hòa những tháng tới.
Trump Jr., người thường xuyên cáo buộc các công ty công nghệ có thành kiến với cộng đồng bảo thủ, đã lên Twitter chỉ trích quyết định của công ty này với bố mình. "Kiểm duyệt đang diễn ra ở mức chưa từng thấy!", anh viết.
Phương Vũ (Theo Politico)