"Mỹ trở nên sốt ruột và đã phát động một chiến dịch bôi nhọ Tân Cương. Tuy nhiên, không lực lượng nào có thể ngăn chặn sự tiến bộ của Tân Cương hướng tới ổn định và phát triển", Chủ tịch khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương Shorat Zakir nói tại họp báo ở Bắc Kinh hôm nay.
Zakhir một lần nữa lên án việc Hạ viện Mỹ thông qua dự luật Duy Ngô Nhĩ hôm 3/12, gọi đây là hành vi vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế và "can thiệp thô bạo vào các vấn đề nội bộ của Trung Quốc".
Tuyên bố được ông Zakhir đưa ra sau khi Liên Hợp Quốc và các nhóm hoạt động nhân quyền ước tính có khoảng 1-2 triệu người, chủ yếu là người Duy Ngô Nhĩ, bị ép buộc vào các trung tâm ở Tân Cương, nơi Mỹ và một số nước phương Tây gọi là các trại cải huấn, đồng thời đưa vấn đề này ra Liên Hợp Quốc.
Zakhir khẳng định thông tin trên truyền thông nước ngoài về vấn đề này không chính xác, song không nói thêm chi tiết. Ông cho rằng những người được đưa tới các trung tâm đào tạo nghề ở Tân Cương đều đã "tốt nghiệp", có quyền tự do đến và đi.
Hạ viện Mỹ hôm 3/12 đạt số phiếu áp đảo 406/1 để thông qua dự luật Sự Can thiệp với người Duy Ngô Nhĩ và Phản ứng Nhân đạo Thống nhất Toàn cầu (Dự luật Duy Ngô Nhĩ) năm 2019, cho phép chính quyền Mỹ xác định và trừng phạt quan chức bị xem là chịu trách nhiệm liên quan trong việc giam hàng loạt thành viên nhóm dân tộc thiểu số ở khu tự trị Tân Cương.
Bắc Kinh nhiều lần phủ nhận các cáo buộc ngược đãi người Duy Ngô Nhĩ, cho biết họ tham gia các trung tâm đào tạo nghề. Hồi tháng 7, một quan chức Tân Cương cho hay Trung Quốc sẽ tiếp tục đào tạo nghề tại các trung tâm được tổ chức ở Tân Cương, dựa trên sự tự nguyện của những người tham gia.
Tuy nhiên, tuyên bố này không thuyết phục được các nước phương Tây, đặc biệt là Mỹ. Chính phủ Mỹ gần đây đã công bố loạt biện pháp trừng phạt đối với quan chức, các tổ chức chính phủ và các công ty tư nhân Trung Quốc "chịu trách nhiệm hoặc tạo điều kiện cho vi phạm nhân quyền ở Tân Cương".
Mai Lâm (Theo Reuters)
Xem thêm:
Trung Quốc nói người Tân Cương 'không tự nguyện theo đạo Hồi'