Văn phòng Thông tin Hội đồng Nhà nước Trung Quốc hôm 21/7 công bố Sách Trắng gồm 6.800 từ, mô tả Tân Cương là một cộng đồng đa dạng về tôn giáo, nơi một số tín ngưỡng đã tồn tại hàng thế kỷ, và chính quyền "tôn trọng quyền tự do của công dân trong việc tin hay không tin theo bất kỳ tôn giáo nào".
Theo tài liệu này, đạo Hồi du nhập vào Tân Cương bằng vũ lực trong cuộc chiến tranh tôn giáo ở thế kỷ 10, sự kiện kết thúc nhiều thế kỷ thống trị của Phật giáo.
"Việc chuyển đổi người Duy Ngô Nhĩ sang đạo Hồi không phải lựa chọn tự nguyện của người dân, mà là kết quả của chiến tranh tôn giáo và do giai cấp thống trị áp đặt", tài liệu cho hay. "Đạo Hồi không phải tín ngưỡng bản xứ và cũng không phải hệ thống tín ngưỡng duy nhất của người Duy Ngô Nhĩ".
Ở Trung Quốc có khoảng 18% dân số theo Phật giáo, 5% theo Công giáo và dưới 2% theo đạo Hồi. Tân Hoa xã nói rằng lịch sử Tân Cương đã bị bóp méo bởi "các thế lực thù địch và ly khai, lực lượng cực đoan tôn giáo và khủng bố".
Hãng thông tấn Trung Quốc cũng bác bỏ quan điểm cho rằng người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương có nguồn gốc từ Thổ Nhĩ Kỳ. "Tân Cương từ lâu đã là một phần không thể tách rời của lãnh thổ Trung Quốc, chưa bao giờ nó được gọi là Đông Turkistan", tờ báo nêu rõ.
Tân Cương là khu vực tự trị rộng lớn ở phía tây Trung Quốc với dân số khoảng 22 triệu người, trong đó một nửa theo đạo Hồi. Sách Trắng cho biết hiện có 24.800 địa điểm cho các hoạt động tôn giáo ở Tân Cương, bao gồm 24.400 nhà thờ Hồi giáo và 400 đền thờ, nhà thờ và những nơi cầu nguyện khác.
Giới quan sát cáo buộc Trung Quốc thực hiện chính sách bài trừ đạo Hồi ở Tân Cương, phá hủy nhà thờ Hồi giáo và giam khoảng hai triệu người trong các trại cải huấn chính trị. Trung Quốc phủ nhận những cáo buộc này, nói rằng trại cải huấn thực chất là những trung tâm đào tạo nghề tự nguyện. Bắc Kinh gọi các trung tâm này là một phần quan trọng của chiến dịch chống phần tử Hồi giáo cực đoan.
Huyền Lê (Theo CNN)