Trong khi nước Mỹ đang chờ đợi kết quả kiểm phiếu từ các bang chiến trường còn lại, bất kể ai cuối cùng giành chiến thắng, ngành thăm dò dư luận Mỹ rõ ràng đã lặp lại sai lầm 4 năm trước là đánh giá thấp sự ủng hộ dành cho Tổng thống Donald Trump. Việc này đặt ra câu hỏi liệu ngành này có thể sống sót sau thêm một cuộc khủng hoảng niềm tin nữa hay không.
"Tôi muốn xem tất cả kết quả cuối cùng, tôi muốn xem những sai lệch giữa các cuộc thăm dò trước bầu cử và kết quả cuối cùng", Christopher Borick, từ Đại học Muhlenberg ở Pennsylvania, nói. "Nhưng có rất nhiều bằng chứng cho thấy chúng ta lại có những vấn đề lớn. Cần phải xem những vấn đề đó sâu đến mức nào".
Ở một số bang, nơi các cuộc thăm dò trước bầu cử dự đoán Tổng thống Trump thua sít sao như Ohio, Iowa và Florida, ông trên thực tế lại là người chiến thắng với cách biệt đáng kể vào đêm 3/11. Và ở bang Biden được cho là thắng dễ như Nevada, cách biệt vẫn quá sít sao để ông được xác định là người chiến thắng.
Dựa trên các lá phiếu đã được kiểm đếm, điều rõ ràng là các cuộc thăm dò đã đánh giá quá cao mức độ ủng hộ của cử tri dành cho Biden, đặc biệt là trong nhóm cử tri da trắng và nam giới. Trong khi các cuộc thăm dò trước bầu cử nói rằng cử tri da trắng trên 65 tuổi đã từ bỏ Trump, điều đó không thực sự diễn ra.
Kết quả là Biden không đạt thành tích cao không chỉ ở các bang đa sắc tộc như Florida mà còn ở các khu vực ngoại ô, đông người da trắng như hạt Macomb ở bang Michigan, nơi ông được nhiều người kỳ vọng sẽ lấn át đối thủ.
Borick chỉ ra rằng trong khi các cuộc thăm dò ý kiến cấp bang đã sai lệch rất nhiều vào năm 2016, chúng vẫn ổn định trong bầu cử quốc hội giữa kỳ năm 2018. Điều này khiến ông kết luận rằng quan điểm của người Mỹ về Trump có thể đặc biệt khó đo lường.
"Rốt cục, giống như rất nhiều thứ liên quan đến Trump, có lẽ cần những cách thăm dò khác biệt mỗi khi tên ông ấy xuất hiện trên lá phiếu", Borick nói. "Cả hai cuộc bầu cử có Trump đều diễn biến theo cách khác thường so với những cuộc bầu cử khác".
Việc so sánh thăm dò hậu bầu cử với trước bầu cử có thể cung cấp một vài manh mối về những gì các cuộc thăm dò trước bầu cử đã bỏ lỡ.
Điểm nổi bật nhất là sự ủng hộ dành cho Trump từ cử tri da trắng có trình độ đại học, đặc biệt là nam giới. Theo các cuộc thăm dò hậu bầu cử, hai ứng viên nhận được sự ủng hộ đồng đều từ nhóm cử tri này, trong khi gần như tất cả thăm dò quy mô quốc gia và tại bang chiến trường đều cho thấy Biden chiếm ưu thế. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng những người có học vấn cao có thể ngần ngại công khai ủng hộ Trump vì áp lực xã hội.
Về nhóm da trắng không có trình độ đại học, trong nhiều cuộc thăm dò qua điện thoại trước bầu cử, Trump chủ yếu nhận được sự ủng hộ từ cử tri tuổi ngũ tuần. Tuy nhiên, thăm dò hậu bầu cử cho thấy cử tri tuổi lục tuần mới là nhóm ủng hộ mạnh mẽ nhất, giống năm 2016.
Về Covid-19, điều đáng chú ý là so với hầu hết khảo sát trước bầu cử, thăm dò hậu bầu cử cho thấy một tỷ lệ cử tri nhỏ hơn tán đồng với các biện pháp thận trọng thay vì mở cửa xã hội nhanh chóng. Tính đến chiều 4/11, số cử tri cho rằng ngăn chặn Covid-19 quan trọng hơn chỉ cao hơn 9% so với những người muốn nhanh chóng xây dựng lại nền kinh tế, theo khảo sát hậu bầu cử. Trong thăm dò trước bầu cử, khoảng cách này thường ở mức hai con số và phần lớn cử tri trên toàn quốc nói rằng họ thích thận trọng và kiềm chế dịch.
Có vẻ như virus cũng không phải là yếu tố thúc đẩy cử tri chọn lựa ứng viên như nhiều cuộc thăm dò từng truyền tải. Bầu cử năm nay có hai nguồn dữ liệu để truyền thông cân nhắc. Bộ dữ liệu truyền thống là thăm dò hậu bầu cử của Edison Research được tiến hành thay mặt cho một nhóm hãng tin, được thực hiện qua điện thoại với những cử tri đã bỏ phiếu sớm và phỏng vấn trực tiếp tại điểm bỏ phiếu. Trong khi đó, AP tiến hành cuộc khảo sát cử tri riêng được gọi là VoteCast, sử dụng dữ liệu từ các câu trả lời trực tuyến do NORC, một nhóm nghiên cứu có trụ sở tại Đại học Chicago, tập hợp.
Bằng cách nhìn vào hai bộ dữ liệu, có thể thấy rằng có nhiều cử tri coi Covid-19 là vấn đề lớn trong cuộc sống của họ hơn những người nói rằng đó là vấn đề định đoạt lá phiếu của mình.
VoteCast cho thấy cứ 10 cử tri thì có ít nhất 4 người coi đại dịch là vấn đề nghiêm trọng nhất đất nước phải đối mặt trong danh sách gồm 9 lựa chọn. Nhưng trong thăm dò của Edison Research, khi được hỏi vấn đề nào có ảnh hưởng lớn nhất đến lá phiếu, số người trả lời là Covid-19 chưa bằng một nửa tỷ lệ nói trên. Kinh tế có tác động đến họ lớn hơn nhiều.
Không phải mọi nhà thăm dò đều đưa ra kết quả tệ. Ann Selzer, từ lâu được coi là một trong những nhà thăm dò hàng đầu tại Mỹ, đã công bố dữ liệu với Des Moines Register vài ngày trước Ngày bầu cử, cho thấy ông Trump dẫn trước 7 điểm ở Iowa, gần giống kết quả thực tế.
Điều đặc biệt là Trafalgar Group, bên từng dự đoán đúng Trump đắc cử năm 2016, năm nay cũng có kết quả tương đối chính xác ở nhiều bang.
Công ty là một trong những nhà thăm dò hiếm hoi 4 năm trước ghi nhận sức mạnh của Trump ở vùng Trung Tây và Pennsylvania. Mặc dù các cuộc thăm dò năm nay của họ "thiên đỏ" hơn thực tế, chúng vẫn gần với cục diện ở các bang như Michigan, Wisconsin và Nevada hơn nhiều cuộc thăm dò ý kiến khác, vì họ không đánh giá thấp sức hút của Trump.
"Nhiều người rất nhiệt tình bỏ phiếu chống Trump", Matt Towery, người từng dự đoán đúng Trump đắc cử năm 2016, nói. "Nhưng cũng có nhiều người sẵn sàng 'băng qua than hồng' để bỏ phiếu cho ông".
Christopher Wlezien, từ Đại học Texas ở Austin, đưa ra một số lý do các cuộc thăm dò không phản ánh đúng thực tế. "Có thể là cử tri quyết định vào phút chót đã chọn Trump, giống năm 2016", ông nói. "Cũng có thể là số người ủng hộ đảng Cộng hòa đi bỏ phiếu tăng đột biến".
"Một số người ủng hộ đảng Dân chủ có thể cảm thấy Biden sẽ thắng chắc nên đã không bỏ phiếu", ông nói. "Khả năng này không cao nhưng có thể xảy ra".
Phương Vũ (Theo NYTimes)