Quyết định được Tổng thống Donald Trump đưa ra hôm 31/12, như các biện pháp mà ông cho là cần thiết để bảo vệ lao động Mỹ giữa lúc nền kinh tế lao đao vì đại dịch Covid-19.
Các lệnh cấm, được ban hành vào tháng 4 và tháng 6 năm ngoái, hết hạn vào ngày 31/12/2019, nhưng hiện được gia hạn tới 31/3 tới. Đây là động thái mới nhất của trong một loạt quyết định phút chót về nhập cư của chính quyền Trump trước khi rời Nhà Trắng.
Nhiều doanh nghiệp đã lên tiếng phản đối lệnh cấm đối với các lao động nước ngoài. Tổng thống đắc cử Joe Biden, người sẽ nhậm chức vào ngày 20/1 tới, cũng chỉ trích các hạn chế này, nhưng không nói liệu ông có lập tức đảo ngược các quyết sách của Trump hay không.
Ít nhất 20 triệu người Mỹ đang phải nhận trợ cấp thất nghiệp khi đại dịch vẫn hoành hành trên khắp cả nước. Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, đã báo cáo hơn 20 triệu ca nhiễm và hơn 350.000 ca tử vong kể từ khi dịch bùng phát năm ngoái.
Hồi tháng 10, một thẩm phán liên bang ở California đã chặn lệnh ngừng cấp visa lao động đối với hàng trăm nghìn lao động nước ngoài của chính quyền Trump. Thẩm phán này cho rằng lệnh cấm này sẽ gây ra "hậu quả không thể khắc phục" đối với các doanh nghiệp, khi can thiệp vào hoạt động của họ và buộc họ phải sa thải nhân viên.
Tuyên bố của thẩm phán California trái ngược với quyết định trước đó của thẩm phán liên bang ở thủ đô Washington, đồng nghĩa với việc tòa phúc thẩm sẽ ra quyết định cuối cùng.
Mỹ cấp 85.000 thị thực H-1B mỗi năm cho người "có kiến thức chuyên môn cao" và điều kiện tối thiểu phải có bằng cử nhân, thường trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật, giảng dạy và kế toán. Các nhà phê bình cho rằng những công ty công nghệ cao đã sử dụng visa làm công cụ thuê mướn lao động nước ngoài nhằm thay thế người Mỹ.
Thanh Tâm (Theo Reuters)