Mỹ đang có những động thái quyết liệt trong việc thành lập một liên minh quốc tế để tấn công quân sự vào Syria nhằm đáp trả việc nước này bị cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học, bất chấp việc Tổng thống Donald Trump vài ngày trước vừa tuyên bố sẽ sớm rút quân khỏi quốc gia Trung Đông này.
Việc chính quyền Trump ưu tiên giải pháp quân sự trong xử lý cuộc khủng hoảng ở Syria gây ra nhiều tranh luận trong giới phân tích quốc tế về động cơ gây chiến của Tổng thống Mỹ cũng như chiến lược lâu dài ở Trung Đông của Washington.
Chuyển hướng dư luận
Theo các bình luận viên của Guardian, việc Trump bất ngờ chỉ trích Syria và Tổng thống Nga Vladimir Putin trên Twitter liên quan đến cáo buộc vũ khí hóa học được sử dụng ở Đông Ghouta, ngoại ô thủ đô Damascus khiến nhiều người ngạc nhiên. Hành động "tôn trọng nhân quyền quốc tế" này khiến giới quan sát bất ngờ, bởi Trump từng nhiều lần bỏ qua nhiều cáo buộc về "tội ác chiến tranh" nghiêm trọng hơn ở Syria.
Điều đáng chú ý là thông tin về việc quân đội Syria sử dụng vũ khí hóa học ở Đông Ghouta nổi lên trong bối cảnh dư luận Mỹ đang sôi sục vì cuộc đối đầu thương mại mà Trump phát động nhắm vào Trung Quốc. Gói áp thuế trị giá hàng trăm tỷ USD Bắc Kinh vừa tung ra nhắm vào nhiều mặt hàng nông nghiệp, công nghiệp trọng điểm tại các bang có truyền thống ủng hộ Trump.
Nhiều doanh nghiệp, nông dân đã bày tỏ bức xúc trước thực tế các mặt hàng của họ trở nên kém cạnh tranh hơn trên thị trường Trung Quốc, trong khi dân chúng thất vọng vì sẽ phải hứng chịu mức sinh hoạt phí cao hơn khi các mặt hàng giá rẻ nhập khẩu từ Trung Quốc bị áp thuế cao.
Là người luôn chú ý đến những con số thống kê về tỷ lệ ủng hộ, đây chắc chắn là dấu hiệu đáng lo ngại đối với Tổng thống Trump. Khi cuộc đối đầu thương mại với Trung Quốc chưa có dấu hiệu sẽ hạ nhiệt trong tương lai gần, Trump buộc phải có hành động nào đó để hướng sự chú ý của dư luận Mỹ sang vấn đề khác.
Theo bình luận viên Amanda Woods của NYPost, sau khi Trump ra lệnh không kích Syria bằng tên lửa hành trình Tomahawk vào tháng 4/2017 cũng với cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học tương tự, 58% người dân Mỹ được hỏi đã thể hiện sự ủng hộ đối với hành động quân sự của Trump. Tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Mỹ cũng tăng từ 34% trước cuộc không kích lên 43%.
Trump dường như muốn tái lập điều này, khi tỷ lệ ủng hộ hiện nay của ông chỉ ở mức 41,8%, trong khi 53,3% người dân Mỹ bày tỏ sự không hài lòng với ông chủ Nhà Trắng, theo số liệu khảo sát của RealClearPolitics.
Một số chuyên gia tin rằng Trump muốn xây dựng hình ảnh một Tổng thống mạnh mẽ, quyết liệt, sẵn sàng đáp trả hành động sử dụng vũ khí hóa học nhắm vào dân thường, trái ngược với người tiền nhiệm Obama. Ông Obama cũng từng đe dọa sẽ không kích Syria sau cáo buộc tấn công hóa học cũng ở Đông Ghouta năm 2013, nhưng sau đó nhượng bộ và thiên về giải pháp ngoại giao để giải quyết khủng hoảng.
Một lý do nữa khiến Trump muốn chuyển hướng dư luận là cuộc điều tra nghi vấn Nga can thiệp bầu cử Mỹ đang đến hồi quyết liệt, khi các nhân viên của công tố viên đặc biệt Robert Mueller khám xét văn phòng luật sư riêng của Trump. Trump bất bình với Mueller đến mức Nhà Trắng hôm qua tuyên bố Tổng thống có quyền sa thải công tố viên đặc biệt này để chấm dứt cuộc điều tra.
Tuy nhiên, giới phân tích cũng nhận định hành động chuyển hướng dư luận này có thể là "con dao hai lưỡi" đối với Trump. Nếu đòn không kích của Trump khiến Mỹ lún sâu hơn vào xung đột ở Syria hay lâm vào thế đối đầu trực diện với Nga trên chiến trường Trung Đông, ông có thể hứng chịu làn sóng chỉ trích mạnh mẽ chưa từng có từ dư luận trong nước và thế giới.
Lấy lại vị thế ở Trung Đông
Sau chiến dịch can thiệp quân sự ở Syria, Nga đang trở thành "tay chơi" lớn nhất ở quốc gia Trung Đông này và có tiếng nói ngày càng mạnh mẽ hơn trong bàn cờ chính trị khu vực. Trong khi đó, vai trò của Mỹ ở khu vực ngày càng suy giảm. Tuyên bố sớm rút quân khỏi Syria của Trump mới đây càng khiến các đồng minh và đối tác ở Trung Đông nghi ngờ về cam kết và quyền lực của Mỹ trong khu vực.
John Bolton, tân cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, là người có quan điểm cứng rắn, muốn kiềm chế vai trò của Iran và tăng cường ảnh hưởng của Mỹ ở Trung Đông. Dường như Nhà Trắng coi cáo buộc Syria sử dụng vũ khí hóa học là một cơ hội để Mỹ có thể xoay chuyển thế cục, cạnh tranh quyền lực với Nga ở khu vực này, dù tới nay chưa có bằng chứng vững chắc nào cho thấy quân đội Syria đã thực sự sử dụng vũ khí hóa học chống lại dân thường.
Theo bình luận viên Uri Friedman của Atlantic, các quan chức Nhà Trắng dường như tin rằng hành động quân sự là biện pháp duy nhất hiện nay để Mỹ có thể lấy lại vị thế ở Syria, bởi phe nổi dậy được Mỹ hậu thuẫn đã hoàn toàn thất thế trước chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad trên chiến trường lẫn bàn đàm phán.
Friedman cho rằng khác với cuộc không kích hạn chế bằng tên lửa hành trình tháng 4/2017, Mỹ lần này nhiều khả năng sẽ "chơi lớn" với các cuộc tấn công kéo dài hơn, quy mô lớn hơn, có sự tham gia của nhiều nước hơn.
Một đòn tấn công trừng phạt tập thể do Mỹ đứng đầu như vậy sẽ phát đi nhiều thông điệp quan trọng. Nó cho thấy Mỹ vẫn đóng vai trò tích cực, mang tính dẫn dắt trên bàn cờ khu vực Trung Đông, có khả năng tập hợp đồng minh để thực hiện nhiệm vụ chung. Đồng thời, đó cũng là tín hiệu cảnh báo, răn đe mà Mỹ gửi tới Nga và Iran, hai quốc gia đang có sự hiện diện quân sự và chính trị ngày càng lớn ở Syria.
Washington nhiều khả năng cũng hy vọng đòn không kích lớn hơn không chỉ ngăn ngừa chính quyền Syria tái diễn các cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học, mà còn có thể làm suy yếu sức mạnh của quân đội chính phủ Syria, giảm bớt áp lực cho phe nổi dậy được Mỹ hậu thuẫn và củng cố sự hiện diện của quân đội Mỹ trên lãnh thổ Syria.
Tuy nhiên, chuyên gia phân tích chính trị Sam Heller của Crisis Group cho rằng hành động quân sự của Mỹ và đồng minh ở Syria tiềm ẩn nguy cơ làm leo thang căng thẳng rất lớn. Nếu tung ra đòn răn đe quá lớn, Mỹ có thể gây thương vong cho binh sĩ Nga đồn trú tại Syria, buộc Moscow tung đòn đáp trả và châm ngòi cho cuộc xung đột không thể lường trước hậu quả giữa hai cường quốc hạt nhân.
Ngoài ra, các cuộc không kích của Mỹ khó có thể thay đổi cục diện trên chiến trường Syria. Các bình luận viên của NBCNews cho rằng dưới sự hậu thuẫn của Nga, quân đội Syria nói chung và lực lượng phòng không nước này nói riêng ngày càng thiện chiến, dày dạn kinh nghiệm thực chiến, có thể đối phó và gây thiệt hại cho các khí tài Mỹ cũng như đồng minh xâm phạm không phận.
Không có lực lượng bộ binh trên chiến trường, Mỹ khó có thể thực hiện được những mục tiêu chiến lược ở Syria. Thực tế này sẽ ảnh hưởng đáng kể đến những tính toán được – mất của Trump và các chiến lược gia đối với bài toán Syria trong những ngày tới, các chuyên gia nhận định.
Trí Dũng