"Tôi đã đặt thời hạn ngày 15/9, thời điểm họ phải chấm dứt hoạt động ở Mỹ, trừ khi Microsoft hoặc công ty nào đó mua lại cổ phần và đạt được một thỏa thuận", Tổng thống Mỹ Donald Trump nói với các phóng viên hôm 3/8.
Ông chủ Nhà Trắng cũng gây bất ngờ khi ra điều kiện yêu cầu thương vụ này phải mang về nguồn thu đáng kể cho Bộ Tài chính Mỹ. "Một phần không nhỏ số tiền giao dịch sẽ phải chuyển vào ngân khố Mỹ, vì chúng tôi đã giúp thỏa thuận này trở thành hiện thực. Họ không có quyền gì, trừ khi chúng tôi cấp quyền cho họ", Trump nói thêm.
Nhiều nghị sĩ đảng Cộng hòa, trong đó có Lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Hạ viện Kevin McCarthy đã ra thông cáo ủng hộ Microsoft mua lại hoạt động của TikTok tại Mỹ, trong khi một số người lo ngại nguy cơ cử tri trẻ tuổi sẽ phản đối đảng Cộng hòa nếu Trump cấm hoàn toàn TikTok, nền tảng mạng xã hội đang có 100 triệu người dùng tại Mỹ.
Lãnh đạo phe Dân chủ tại Thượng viện Chuck Schumer cũng ủng hộ đề xuất bán hoạt động của TikTok tại Mỹ, cho rằng điều này sẽ bảo đảm an toàn dữ liệu cho người dùng nước này.
Tổng thống Trump hôm 31/7 tuyên bố sẽ cấm TikTok hoạt động ở Mỹ bằng quyền kinh tế khẩn cấp hoặc sắc lệnh hành pháp. Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin nói rằng nền tảng mạng xã hội này nên được bán lại hoặc sẽ bị cấm ở Mỹ. "TikTok không thể tồn tại như nó vốn có", ông nhấn mạnh.
TikTok hiện có khoảng một tỷ người sử dụng trên khắp thế giới. Giới chức Mỹ những tuần qua bày tỏ quan ngại khả năng TikTok bị Bắc Kinh sử dụng cho mục đích bất chính. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho hay dữ liệu về người dân Mỹ mà các công ty như TikTok đang thu thập có thể gồm "nhận dạng khuôn mặt, thông tin về nơi cư trú, số điện thoại, bạn bè".
Mạng xã hội này và công ty sở hữu ByteDance phủ nhận mọi liên hệ với chính quyền Trung Quốc. Tổng giám đốc TikTok Mỹ Vanessa Pappas hôm 1/8 khẳng định công ty đang nỗ lực để mang đến "một phần mềm an toàn nhất" cho người dùng.
Vũ Anh (Theo Reuters)