Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steve Mnuchin thông báo kế hoạch tại Washington ngày 29/7. Ủy ban Đầu tư Nước ngoài tại Mỹ (CFIUS) là cơ quan chịu trách nhiệm đánh giá tác động về an ninh quốc gia của các khoản đầu tư nước ngoài tại Mỹ. Bình luận của Mnuchin là lần đầu tiên chính quyền Mỹ xác nhận TikTok đang bị CFIUS xem xét.
Reuters hồi tháng 11 đưa tin rằng công ty mẹ của ứng dụng, ByteDance, có trụ sở ở Bắc Kinh, bị CFIUS điều tra về việc mua lại ứng dụng mạng xã hội Musical.ly trị giá một tỷ USD, sau khi các nhà lập pháp bày tỏ quan ngại về cách công ty lưu trữ dữ liệu cá nhân và cáo buộc họ kiểm duyệt thông tin.
CFIUS có thể buộc ByteDance hủy bỏ thỏa thuận, hoặc thực hiện các biện pháp khác để giảm thiểu mối đe dọa an ninh quốc gia. Reuters hôm nay đưa tin một số nhà đầu tư Mỹ của ByteDance, bao gồm Sequoia và General Atlantic, đề xuất mua lại cổ phần để nắm quyền kiểm soát TikTok. Một số nhà đầu tư của ByteDance đang định giá ứng dụng ở mức khoảng 50 tỷ USD.
Đại diện TikTok cho biết công ty không thể bình luận về vấn đề liên quan đến CFIUS, nhưng nói thêm rằng TikTok đang làm việc để "phát triển cơ sở hạ tầng bảo mật tốt nhất" và thúc đẩy trải nghiệm ứng dụng an toàn.
TikTok thu hút gần một tỷ người dùng trên toàn thế giới, trong đó ước tính có hơn 52 triệu người dùng ở Mỹ, tăng khoảng 12 triệu kể từ khi Covid-19 bùng phát. TikTok đặc biệt phổ biến với những người trẻ sử dụng điện thoại thông minh.
TikTok lọt vào "tầm ngắm" của chính quyền Trump trong bối cảnh quan hệ Washington - Bắc Kinh ngày càng căng thẳng vì vấn đề Covid-19, Đài Loan, luật an ninh Hong Kong và Biển Đông.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuần trước cho biết nước này đang cân nhắc cấm các ứng dụng mạng xã hội Trung Quốc, bao gồm cả TikTok, do lo ngại an ninh quốc gia. Phó tổng thống Mike Pence cũng khẳng định Mỹ sẽ tiếp tục lập trường cứng rắn với các thực thể Trung Quốc đe dọa an ninh, trong đó có TikTok.
Một nhóm thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa ngày 29/7 viết thư yêu cầu chính quyền Trump đánh giá nguy cơ Trung Quốc dùng TikTok để can thiệp bầu cử Mỹ. TikTok nói rằng họ có chính sách nghiêm ngặt để chống phát tán thông tin sai và không chấp nhận quảng cáo chính trị. Bắc Kinh nhiều lần nói rằng họ không có ý định can thiệp bầu cử Mỹ.
Quan chức Mỹ luôn tỏ ra lo ngại về TikTok trong vấn đề an ninh quốc gia. Họ cho rằng luật pháp Trung Quốc yêu cầu các công ty trong nước phải "hỗ trợ và hợp tác" với các cơ quan an ninh, tình báo của nước này. Tuy nhiên, TikTok nhiều lần khẳng định chính phủ Trung Quốc chưa từng yêu cầu chia sẻ thông tin người dùng và ngay cả khi được yêu cầu, họ cũng không làm như vậy.
Phương Vũ (Theo Reuters)