Tổng thống Donald Trump ngày 8/8 ký 4 sắc lệnh cứu trợ nền kinh tế do ảnh hưởng của Covid-19. Một trong các sắc lệnh then chốt được Trump ký sẽ cấp thêm 400 USD/tuần cho khoản trợ cấp thất nghiệp của người Mỹ, ít hơn so với mức 600 USD/tuần được thông qua trước đó. Song, Trump thêm rằng 25% trong số đó sẽ do các bang chi trả.
Ba sắc lệnh còn lại bao gồm tạm dừng thu thuế tiền lương với lao động có thu nhập dưới 100.000 USD/năm, trợ giúp người thuê nhà và chủ nhà, cũng như gia hạn lãi suất 0% với các khoản vay dành cho sinh viên.
Bốn sắc lệnh mới của Trump được ký sau khi Dân chủ và Cộng hòa không đạt được đồng thuận về gói kích thích kinh tế mới. Đảng Dân chủ đề xuất gói kích thích 3.000 tỷ USD, nhưng phe Cộng hòa chỉ đề xuất 1.000 tỷ USD. Các thành viên đảng Cộng hòa ở quốc hội cho rằng các khoản cứu trợ cao hơn không khuyến khích những người Mỹ thất nghiệp cố gắng trở lại làm việc.
Trump nói rằng việc ông không chờ quốc hội thông qua gói kích thích kinh tế mới mà ký loạt sắc lệnh hành pháp nhằm giúp tiền cứu trợ được "phân phối nhanh chóng" tới người dân.
Kinh tế từ lâu được xem là "lá bài tranh cử" cho cuộc đua vào Nhà Trắng của Trump. Nhiều người cho rằng 4 sắc lệnh mới có thể nhằm mục đích tăng triển vọng tái đắc cử cho Trump, giữa lúc ông "thất thế" trước Biden trong các cuộc khảo sát dư luận gần đây.
Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định các động thái mới của Trump đặt ra nhiều thách thức cho hy vọng tái tranh cử của ông, nếu nó được chứng minh không mang lại hiệu quả hoặc không thể giúp đạt được thỏa thuận với phe Dân chủ.
"Chúng tôi ngày càng lo ngại rằng các sắc lệnh hành pháp, những gì tốt nhất Trump có thể làm lúc này, sẽ không thể được thực thi và nền kinh tế sẽ tiếp tục lao dốc hoặc phải tự bơi", Chris Rupkey, nhà kinh tế trưởng tại tổ chức tài chính MUFG, nói.
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi gọi sắc lệnh gia hạn cứu trợ kinh tế do Covid-19 được Trump ký ngày 8/8 là "vi hiến một cách ngớ ngẩn" khi được hỏi liệu bà có khởi kiện để chặn các sắc lệnh này hay không.
Chính trợ lý cấp cao của Trump cuối tuần qua thừa nhận các thiếu sót của những sắc lệnh này và thách thức pháp lý chúng có thể phải đối mặt. "Chúng tôi có thể phải ra tòa vì chúng. Nhưng chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện các hành động của mình", Larry Kudlow, giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia, nói.
Quan chức Nhà Trắng tin rằng các sắc lệnh sẽ thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế. "Ngoài bổ sung hỗ trợ cần thiết, tôi nghĩ các động thái này sẽ giúp quả bóng được bơm căng trở lại", Kudlow nói.
"Tôi là người đầu tiên thừa nhận rằng có quá nhiều người thất nghiệp ngoài kia và chúng ta thực sự cần giúp đỡ mọi người. Chúng tôi đã đạt được thỏa hiệp để làm điều đó", ông nói thêm.
Kudlow cho rằng tạm dừng thu thuế tiền lương như khoản tăng 1.200 USD lương cho "những người anh hùng làm việc trong suốt đại dịch. Nếu tiền lương sau thuế tăng lên, đây là động lực để người dân quay trở lại làm việc".
Tuy nhiên, Chánh văn phòng Nhà Trắng Mark Meadows lo ngại về tính khả thi của các khoản phúc lợi. "Bạn không thể có được các khoản thanh toán trực tiếp bởi nó liên quan tới phân bổ ngân sách. Điều đó không thuộc thẩm quyền của Tổng thống", Meadows nói. Chỉ có quốc hội Mỹ mới có quyền phân bổ ngân sách liên bang.
Ông cũng thừa nhận các vấn đề lớn chưa được giải quyết. "Nhược điểm của các sắc lệnh là nó không thể giải quyết một số vấn đề liên quan tới doanh nghiệp nhỏ còn tồn đọng", ông nói.
Hàng loạt câu hỏi đã được đặt ra về tính hiệu quả của các sắc lệnh mà Trump vừa ký và liệu các bang có sẵn nguồn tài chính cho những phúc lợi mà ông đề xuất hay không. Vì quốc hội không cho phép cho gia hạn thêm khoản trợ cấp thất nghiệp liên bang nên các bang sẽ phải thiết lập một hệ thống hoàn toàn mới để cung cấp khoản hỗ trợ bổ sung và việc này có thể mất hàng tháng.
Ngoài ra, nhiều chuyên gia cho rằng hoãn thu thuế tiền lương thay vì cắt giảm hẳn không phải biện pháp hiệu quả, bởi sau này người lao động sẽ phải đối mặt với hóa đơn thuế rất lớn. Sắc lệnh ngăn đuổi người thuê nhà cũng không thực sự giúp ích được gì cho phần lớn người thuê nhà ở Mỹ.
"Các tác động kinh tế trực tiếp từ những sắc lệnh này có thể bị giới hạn về quy mô, phạm vi và thời gian", Mohamed A. El-Erian, cố vấn kinh tế trưởng tại công ty dịch vụ tài chính Allianz, cho hay. "Đấy là chưa xét tới những bấp bênh về mặt pháp lý. Các tác động gián tiếp không chắc chắn, bởi còn phụ thuộc vào liệu các sắc lệnh sẽ thúc đẩy hay cản trở thỏa thuận của quốc hội".
Nhiều nhà phân tích cho rằng các sắc lệnh mới của Trump sẽ buộc đảng Dân chủ phải quay trở lại bàn đàm phán với phe Cộng hòa. "Phe Dân chủ sẽ có thể phải đưa ra một số nhượng bộ lớn và một thỏa thuận cứu trợ khoảng 1,5 tỷ USD rất có thể được thông qua. Nền kinh tế sẽ tiếp tục phục hồi và được thúc đẩy bằng các biện pháp kích thích trước và sau cuộc bầu cử", Edward Moya, nhà phân tích thị trường cấp cao tại công ty giao dịch ngoại hối OANDA, nói.
Cho đến nay, Mỹ mới tạo thêm khoảng 9 triệu việc làm mới để bù đắp 22 triệu việc làm đã mất kể từ khi kinh tế khủng hoảng vì đại dịch. Thu nhập cá nhân đã giảm 1,1% vào tháng 6 và 4,4% vào tháng 5.
Với nhiều nhà phân tích, thống kê này cho thấy nền kinh tế có thể gặp khó khăn vào mùa thu tới nếu chính phủ liên bang ngừng bơm tiền vào hệ thống thông qua các biện pháp kích thích, tăng cường trợ cấp thất nghiệp và nhiều kênh khác.
"Không rõ chúng tôi sẽ đi về đâu. Kinh tế đang phục hồi nhưng rủi ro tiếp tục suy thoái là rất lớn nếu không có thêm cứu trợ", Rubeela Farooqi, nhà kinh tế trưởng tại công ty tư vấn High Frequency Economics, cho hay.
Thanh Tâm (Theo Politico)