Khi cuộc chiến pháp lý nhằm đảo ngược kết quả bầu cử đi vào ngõ cụt và ngày chuyển giao Nhà Trắng sẽ tới trong chưa đầy hai tháng nữa, Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn còn thời gian thực hiện những quyết định bất ngờ trong chính sách đối ngoại, có thể ảnh hưởng tới lợi ích của Mỹ trong nhiều năm tới.
Trump bắt đầu với Afghanistan, khi muốn rút quân khỏi quốc gia này trước khi ông kết thúc nhiệm kỳ. Chỉ khi vấp phải sự phản đối của Lầu Năm Góc, Trump mới nhượng bộ, nhưng vẫn ra lệnh rút một phần lực lượng tại đây.
Trump từ lâu phàn nàn về việc ông không thể chấm dứt cuộc chiến chống lại lực lượng Taliban ở Afghanistan, vốn đã bước sang năm thứ 20.
Cuộc chiến "không hồi kết" ở đây đã ngốn của nước Mỹ hơn 2.000 tỷ USD, khiến 2.355 lính Mỹ thiệt mạng, mà vẫn không đạt được mục tiêu biến Afghanistan thành một "nền dân chủ ổn định".
Tuy nhiên, khi đột ngột ra lệnh rút quân khỏi Afghanistan, Trump có thể gây ra "thảm họa vào phút chót", theo bình luận viên Doyle McManus, một cây bút kỳ cựu về Trung Đông của Los Angeles Times.
Quân đội Mỹ từ lâu đã từ bỏ mục tiêu giành chiến thắng quân sự tại Afghanistan. Số binh sĩ Mỹ đồn trú tại Afghanistan đã bị cắt giảm từ hơn 100.000 năm 2011 xuống 4.500, với hai nhiệm vụ chính là hỗ trợ trấn áp phiến quân al-Qaeda và gây áp lực buộc Taliban ký thỏa thuận hòa bình lâu dài với chính phủ Afghanistan.
Việc Trump đột ngột yêu cầu rút quân khiến cả hai mục tiêu này trở nên khó đạt được, thậm chí khiến tình hình trở nên tồi tệ. Trump được cho là từng muốn rút toàn bộ 4.500 binh sĩ Mỹ còn đồn trú tại Afghanistan trước ngày bầu cử 3/11. Tổng thống Mỹ sau đó được cho là muốn họ về nước trước ngày 20/1/2021 để "tuyên bố rằng đã giữ lời hứa khi vận động tranh cử".
Tuy nhiên, sau khi các quan chức Lầu Năm Góc cảnh báo rằng việc rút toàn bộ binh sĩ khỏi Afghanistan trong 60 ngày sẽ khiến tình hình trở nên rất hỗn loạn, Trump quyết định chỉ rút một nửa số quân.
Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Christopher Miller, người vừa được Trump bổ nhiệm, xác nhận việc rút 2.000 quân khỏi Afghanistan và thông báo hoạt động tương tự tại Iraq và Somalia.
Giới chức quân sự Mỹ không nêu lý do chiến lược đằng sau quyết định rút quân khỏi những quốc gia này, cũng như không giải thích vì sao chúng được thực hiện trước Ngày Nhậm chức 20/1/2021. McManus cho rằng Lầu Năm Góc đơn giản là không có lý do thuyết phục nào, bởi họ chỉ đang làm theo ý muốn của Trump.
Thậm chí việc rút nửa số quân Mỹ tại Afghanistan cũng gây ra nhiều rắc rối. Nó không chỉ cắt giảm quy mô lực lượng sẵn sàng cho các hoạt động chống khủng bố, mà còn làm mất lợi thế của Mỹ cùng chính phủ Afghanistan trong đàm phán hòa bình với Taliban.
McManus nhận định điều kỳ lạ nhất trong quyết định rút quân khỏi Afghanistan của Trump là nó làm suy yếu chính các mục tiêu Tổng thống Mỹ đặt ra, đó là những cuộc đàm phán hòa bình với Taliban, vốn được đánh giá là một trong số ít thành công của chính sách đối ngoại của ông.
Zalmay Khalilzad, người được Trump bổ nhiệm làm đặc phái viên phụ trách hòa giải tại Afghanistan, trong hơn một năm rưỡi đàm phán đã thuyết phục Taliban tham gia thỏa thuận chấm dứt chiến tranh. Trump thông qua thỏa thuận này hồi tháng 2.
Theo thỏa thuận, Taliban ngừng tấn công vào các lực lượng Mỹ và giảm cường độ tấn công lực lượng chính phủ Afghanistan. Taliban cũng đồng ý ngăn al-Qaeda sử dụng các vùng lãnh thổ do nhóm này kiểm soát để làm căn cứ, đồng thời đàm phán hòa bình lâu dài với chính phủ Afghanistan.
Mỹ tuyên bố nếu Taliban giữ lời hứa, nước này sẽ rút toàn bộ lực lượng khỏi Afghanistan vào tháng 5/2021. Thỏa thuận này được đánh giá là hợp lý và mang tính thực tế, nhận được nhiều lời khen ngợi từ cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ ở Washington.
Taliban chưa thực hiện tất cả cam kết trong thỏa thuận. Nhóm phiến quân này ngừng tấn công vào quân đội Mỹ và không lính Mỹ nào thiệt mạng từ khi thỏa thuận có hiệu lực, song Taliban đã gia tăng các cuộc tấn công nhằm vào lực lượng an ninh Afghanistan.
Các cuộc đàm phán giữa Taliban và chính phủ Afghanistan nhanh chóng bị đình trệ. Cam kết không chứa chấp thành viên al-Qaeda của các lãnh đạo Taliban chưa được kiểm chứng đầy đủ.
Với việc ra lệnh rút 2.000 binh sĩ về nước mà chưa nhận được gì cụ thể từ thỏa thuận, Trump từ bỏ những đòn bẩy mạnh mẽ nhất để đối phó với Taliban. Quyết định rút quân của Trump còn bị coi là hành động phản bội các đồng minh ở châu Âu lẫn Afghanistan, khi Tổng thống Mỹ không tham vấn họ trước khi ra lệnh.
Các nước châu Âu, dẫn đầu là Đức, Anh và Italy, đang triển khai nhiều binh sĩ ở Afghanistan hơn Mỹ. Họ phụ thuộc vào sự hỗ trợ của quân đội Mỹ trong các hoạt động như yểm trợ hỏa lực không quân và sơ tán y tế khẩn cấp. "Sẽ tới lúc họ mất niềm tin rằng Mỹ có thể cung cấp những thứ đó", cựu trung tướng lục quân Douglas Lute, từng tham gia chỉ huy chiến dịch tại Afghanistan, cho biết.
Nếu thỏa thuận hòa bình dài hạn được ký kết, Mỹ sẽ kêu gọi các đồng minh châu Âu này đóng góp hỗ trợ tài chính cho chính phủ mới của Afghanistan, một đòn bẩy quan trọng khác của phương Tây trong các cuộc đàm phán hòa bình tại quốc gia Trung Á.
"Đó là các đồng minh mà chúng tôi cần yêu cầu cam kết tài chính", Lute nói. "Việc chúng tôi bất ngờ thông báo rút quân không chỉ thiếu tôn trọng các đồng minh mà còn phản tác dụng".
Giới chuyên gia nhận định chính quyền của Tổng thống đắc cử Joe Biden sẽ phải gánh toàn bộ hậu quả của lệnh rút quân khỏi Afghanistan do Trump đột ngột đưa ra.
"Dù việc giảm quy mô lực lượng là ý tưởng hay, thực hiện điều này vào những tuần cuối của nhiệm kỳ tổng thống là hoàn toàn vô trách nhiệm", Laurel Miller, cựu đặc phát viên về vấn đề Afghanistan và Pakistan dưới thời Obama, cho biết. "Đó là cách ra quyết định nhằm thu lợi ích chính trị trước mắt, nhưng trút toàn bộ hậu quả cho người kế nhiệm".
Trump không rút được toàn bộ lính Mỹ tại Afghanistan về nước trước Ngày Bầu cử hay Ngày Nhậm chức như mong muốn. Ông cũng không chấm dứt được "cuộc chiến không hồi kết" hay đưa đàm phán hòa bình vào lộ trình vững chắc. Tuy nhiên, Trump đã thành công trong việc khiến công việc của Biden trở nên khó khăn hơn, McManus nhận định.
Nguyễn Tiến (Theo LA Times)