40 tay súng Taliban hôm 17/7 kéo đến làng Geriveh, tỉnh Ghor, miền trung Afghanistan, để tìm cha của Gul, người giữ chức trưởng làng. Phiến quân muốn trừng phạt ông vì cho rằng ông ủng hộ chính phủ, cảnh sát trưởng địa phương Habiburahman Malekzada cho biết hôm qua.
Nhóm tay súng gõ cửa nhà Gul lúc 1h sáng, kéo cha mẹ cô ra ngoài rồi sát hại họ khi người vợ chống cự.
"Qamar Gul, khi đó đang ở trong nhà, đã cầm một khẩu AK-47 của gia đình và bắn chết hai phiến quân Taliban đã giết bố mẹ, rồi bắn bị thương vài tên khác", ông Malekzada nói.
Những phiến quân Taliban khác sau đó kéo đến tấn công nhà cô nhưng phải rút lui sau khi vấp phải hỏa lực chống trả của dân làng và dân quân ủng hộ chính phủ. Các lực lượng an ninh Afghanitan hiện đã đưa Gul và em trai 12 tuổi đến nơi an toàn.
Giới chức cho biết Gul mới chỉ là cô gái khoảng 14-16 tuổi. Việc người Afghanistan không biết chính xác tuổi của mình là rất phổ biến.
"Hai ngày đầu, hai đứa trẻ rất sốc và không nói năng gì, nhưng giờ đã ổn", Mohamed Aref Aber, phát ngôn viên của thống đốc tỉnh, cho biết. "Chúng không có nhiều người thân, ngoại trừ một người anh cùng cha khác mẹ sống cùng làng".
Mạng xã hội Afghanistan tràn ngập những lời ca ngợi về hành động anh hùng của Gul. Bức ảnh chụp cô bé đội khăn trùm đầu, cầm một khẩu AK được chia sẻ rộng rãi những ngày qua.
"Xin ngả mũ trước sự dũng cảm của cô ấy! Giỏi lắm!", một người bình luận trên Facebook. "Sức mạnh của một cô gái Afghanistan", người khác viết.
"Chúng tôi biết cha mẹ bạn không thể sống lại nữa nhưng hành động trả thù sẽ phần nào giúp bạn nguôi ngoai", một người chia sẻ.
Chính phủ Afghanistan cũng ca ngợi sự can đảm của Gul tại cuộc họp nội các và Tổng thống Ashraf Ghani thậm chí đã mời chị em cô đến Dinh Tổng thống.
Phiến quân Taliban thường xuyên sát hại những người bị nghi ngờ cung cấp thông tin cho quân đội hoặc lực lượng an ninh chính phủ. Phiến quân gần đây tăng cường tấn công các lực lượng an ninh Afghanistan dù đã nhất trí đàm phán hòa bình với chính phủ.
Ít nhất 100.000 người Afghanistan đã thiệt mạng trong cuộc xung đột nổ ra từ năm 2001, khi Mỹ tiến hành chiến dịch quân sự lật đổ Taliban.
Anh Ngọc (Theo AFP)