Từ trong bóng tối, Tony Accardo cai quản Chicago Outfit – băng đảng mafia thành phố Chicago – trong hơn 40 năm. Sự lãnh đạo của Accardo khiến băng đảng này trở nên quyền lực và giàu có hơn bao giờ hết.
Accardo chưa bao giờ đạt đến độ nổi danh như ông trùm mafia Al Capone nhưng nhiều chuyên gia cho rằng, đây cũng là một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến ông ta đạt được thành công.
Con đường Accardo đến với Chicago Outfit
Sinh ngày 28/4/1906, ông trùm mafia tương lai lớn lên tại Little Sicily – khu phố người Italy – tại thành phố Chicago. Accardo là con thứ hai trong gia đình 6 anh em có bố làm thợ đóng giày, mẹ làm nội trợ.
Sau khi bỏ học ở tuổi thiếu niên, Accardo giao du với nhóm trẻ hư trong cùng con phố. Nhóm này chủ yếu là những đứa trẻ ham vui, chưa phải tội phạm chuyên nghiệp. Chúng thường cướp các cửa hàng và trộm ôtô chỉ để giải trí. Tuy nhiên, Accardo nổi bật lên so với những đứa trẻ khác vì sẵn sàng dùng bạo lực để đạt được ý định.
Tới giữa thập niên 1920, Accardo đã có cơ hội làm quen với Al Capone, trùm mafia khét tiếng của Chicago Outfit. Năm 20 tuổi, Accardo được chính thức nhận vào dưới trướng ông trùm. Nét tính cách bạo lực và sự trung thành khiến Accardo thường được giao việc truy lùng và thủ tiêu những kẻ phản bội băng đảng.
Ngoài sự hung bạo, Accardo còn nổi tiếng là kẻ trầm ổn và bình tĩnh. Đây cũng là hai nét tính cách giúp Accardo leo cao trong băng đảng Chicago Outfit nhanh hơn mọi thành viên khác. Không chỉ được nhận làm lái xe và bảo vệ riêng cho Capone, Accardo còn nhận được sự tin tưởng tuyệt đối của ông trùm.
Sự trỗi dậy của Tony Accardo
Năm 1929, thành phố Chicago xảy ra vụ thảm sát ngày lễ Valentine. Trong sự kiện này, bốn nghi phạm giả danh cảnh sát xả súng bắn chết 7 tay chân của George Moran, kẻ địch hàng đầu của Capone.
Vụ thảm sát khiến nhà chức trách mạnh tay trấn áp tội phạm có tổ chức trong thành phố, trong đó có Chicago Outfit. Năm 1931, Chicago Outfit tiếp tục bị giáng đòn sau khi ông trùm Capone bị kết tội trốn thuế và phải ngồi tù. Hai năm sau, giai đoạn cấm rượu ở Mỹ kết thúc, qua đó chấm dứt hoạt động buôn rượu lậu từng sinh lãi lớn cho băng đảng.
Lúc này, Accardo đã leo lên đến chức "đội trưởng" trong băng đảng và có tay chân riêng. Tuy có tiếng nói đáng kể trong Chicago Outfit, ông ta vẫn chưa thể trở thành ông trùm.
Trong một thời gian ngắn, Chicago Outfit do Frank Nitti cầm đầu nhưng kẻ này mau chóng vướng vào nhiều rắc rối pháp lý. Sau khi Nitti tự tử vào năm 1943, một người khác tên Paul Ricca lên nắm quyền. Chỉ được một thời gian, Ricca tiếp tục vướng lao lý và phải ngồi tù.
Trước khi vào tù, Ricca giao quyền lực cho tay chân thân tín là Accardo, khi ấy đã lên tới chức "sếp phó", vị trí quyền lực thứ ba trong băng đảng. Như vậy, đến giữa thập niên 1940, Accardo đã trở thành ông trùm quản lý hoạt động hàng ngày của Chicago Outfit.
Ở vị trí mới, Accardo mở rộng phạm vi hoạt động của băng đảng sang lĩnh vực đánh bạc và cá độ. Ông ta chiếm quyền kiểm soát các cơ sở đưa tin về kết quả đua ngựa để giúp nhà cái điều chỉnh tỉ lệ cược và thu tiền cược. Không chỉ vậy, Accardo còn mở rộng địa bàn của Chicago Outfit sang những khu vực mới trong và ngoài thành phố. Chưa bao lâu sau, băng đảng này giàu có hơn bao giờ hết.
Nhưng nếu nhìn vào lối sống của Accardo, ít ai có thể biết được ông ta là người giàu có. Accardo thích chỉ huy băng đảng từ trong bóng tối, khác với Al Capone, người có lối sống xa xỉ thu hút sự chú ý của lực lượng chấp pháp. Nếu có ai hỏi, ông ta thường tự nhận mình chỉ kinh doanh bia. Việc kinh doanh có lãi giúp ông ta nuôi được gia đình gồm vợ và bốn con, theo Accardo.
Do lối sống kín tiếng, tầm ảnh hưởng của Accardo đối với tội phạm có tổ chức vừa sâu rộng vừa gần như vô hình. William F. Roemer Jr., một đặc vụ FBI, từng nhận xét Accardo là "bố già thực thụ".
Di sản của "bố già" vô danh
Tuy đã "nghỉ hưu" khỏi Chicago Outfit vào cuối thập niên 1950, Accardo vẫn tiếp tục giật dây băng đảng trong vị trí "cố vấn". Thay vì bước xuống khỏi vị trí quyền lực, ông ta bước sang một bên và nhường chức "sếp trưởng’ cho thuộc hạ tên Sam Giancana.
Vào lúc này, Accardo mới bắt đầu tận hưởng sự giàu sang mình kiếm được. Ông ta tổ chức đám cưới lớn cho con gái, đưa vợ đi du lịch dài ngày tại châu Âu, và theo đuổi sở thích câu cá biển khơi.
Cũng như những ông trùm tội phạm khác, Accardo không thể tránh khỏi sự nghi ngờ của cảnh sát và đôi lúc phải xuất hiện trước tòa. Nhưng dù bị kết án về nhiều tội, ông ta trong đời chỉ phải ngồi tù một ngày: khi bị tạm giam để tra hỏi về một vụ cá độ.
Lần duy nhất Accardo có nguy cơ phải ngồi tù dài ngày là vào đầu thập niên 1960, khi ông ta bị kết tội trốn thuế, tội danh từng hạ bệ Al Capone. Tuy nhiên, bản án này sau đó bị tòa phúc thẩm hủy bỏ. Ở phiên tái thẩm, Accardo được tuyên trắng án.
Rắc rối của Accardo vẫn chưa kết thúc. Bất chấp lời khuyên của Accardo, Sam Giancana, "sếp trưởng" mới của Chicago Outfit, thường có những bước đi thu hút chú ý của công chúng. Hoạt động của băng đảng cũng không mấy thuận lợi dưới sự cầm đầu của Giancana. Năm 1965, Accardo bị phạt tù.
Sau khi được trả tự do vào một năm sau, Giancana trốn tới Mexico để tránh tiếp tục bị triệu tập tới trước đại bổi thẩm đoàn. Nhưng kể cả tại nơi ở mới, Giancana vẫn không kín tiếng và mau chóng thu hút sự chú ý của cảnh sát sở tại.
Năm 1974, Giancana bị nhà chức trách Mexico bắt giữ và trục xuất về Mỹ. Đúng như những gì Giancana lo sợ, hắn bị triệu tập tới trước đại bồi thẩm đoàn để bị thẩm vấn. Nhưng Giancana không bao giờ xuất hiện vì hắn bị sát hại vào 1975.
Tuy nhà chức trách không thể xác thực Accardo đứng đằng sau vụ ám sát, nhiều chuyên gia cho rằng chỉ có ông trùm vô danh mới đủ quyền lực hạ lệnh thủ tiêu Giancana. Accardo cũng bị gọi tới trước đại bồi thẩm đoàn nhưng mỗi lần, ông ta đều phủ nhận mọi cáo buộc.
Kể cả khi đã cao tuổi, Accardo vẫn luôn khẳng định mình chỉ là người kinh doanh bia. "Tôi không kiểm soát bất cứ ai cả. Tôi chưa bao giờ làm sếp", Accardo nói. Tuy biết rõ Accardo có điều mờ ám, nhà chức trách không bao giờ có đủ chứng cứ buộc tội ông ta.
Tony Accardo cuối cùng chết vào ngày 22/5/1992 vì bệnh tim và hô hấp ở tuổi 86. Ông trùm Accardo có thể sống lâu như vậy là do đã tránh không để băng đảng dính dáng tới buôn ma túy, theo nhận định của Hội đồng Tội phạm Chicago, tổ chức quan sát độc lập có vai trò hỗ trợ lực lượng chấp pháp đối phó tội phạm tổ chức.
"Cái chết của Accardo đánh dấu sự kết thúc của thời đại Capone", Hội đồng tuyên bố.
Quốc Đạt (Theo Chicago Tribune, Press & Sun-Bulletin)