Mỗi giấy phép lái xe có 12 điểm và tài xế sẽ bị trừ điểm trên hệ thống quản lý mỗi khi vi phạm giao thông. Ngày 20/4, đại diện Bộ Công an cho hay nội dung trên được đề xuất trong dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông, đang trình Chính phủ cho ý kiến.
Một số độc giả ủng hộ đề xuất này:
Đề xuất tốt theo xu hướng của thế giới. Nhưng việc quản lý tránh tiêu cực là cần thiết. Song song với đề xuất này thì nên thay đổi cách đóng phạt bằng việc chuyển khoản ngân hàng hoặc ví điện tử. Khi tiền phạt đã chuyển khoản thì người vi phạm được nhận giấy tờ qua đường bưu điện tận nhà. Như vậy sẽ giảm tiêu cực do tâm lý e ngại đi lấy giấy tờ đóng phạt mà chung chi cho lực lượng cảnh sát.
Tôi thấy ý kiến này hay, phải có chế tài nào đó liên quan đến việc cho phép lái xe hay không mới được, chứ phạt tiền xem ra không ăn thua gì với người người giàu không ý thức.
Ủng hộ cách làm này, tuy nhiên cần nghiên cứu cơ chế thật chắc chắn để tránh khả năng phát sinh tiêu cực khi thực hiện.
Tuy nhiên, một số độc giả đặt vấn đề về tính hợp lý của đề xuất này:
Văn bằng là công nhận người đó đạt trình độ chuẩn về một lĩnh vực nào đó, phạm lỗi có thể vô tình hoặc cố ý, chỉ nên phạt hành chính, không nên thu hồi bằng. Ví như một bác sĩ phạm vài lỗi cũng thu bằng, một anh kỹ sư có lỗi cũng thu bằng, một ông tiến sĩ mắc lỗi cũng thu bằng hay sao? Với những qui định giao thông như hiện nay chỉ cần làm nghiêm không tiêu cực, và tăng mức xử phạt, như nghị định xử phạt nồng độ cồn rất hiệu quả.
Hiện tại những lỗi có tình tiết tăng nặng đã có hình thức giam bằng... Nếu trừ điểm nữa thì thành ra xử lý chồng chéo, đã giam bằng sao còn trừ điểm và ngược lại?
"Biên bản chỉ ghi phạt tiền mà không ghi số điểm bị trừ sẽ không hợp lệ, qua đó để tránh tiêu cực với trường hợp tài xế đưa tiền để không bị trừ điểm", tài xế đưa tiền để không lập biên bản, và đưa nhiều tiền hơn để không bị trừ điểm. Cái này không phải là tránh tiêu cực mà tạo cơ hội để tiêu cực nhiều hơn.
Tôi rất ủng hộ việc tăng nặng các hình thức xử phạt để giảm thiểu tai nạn giao thông, nhưng phải hợp lý, minh bạch rõ ràng.
Một số độc giả cho rằng với hạ tầng đường sá giao thông như hiện tại, việc xử phạt vượt đèn đỏ trừ 6 điểm, lấn làn trừ 5 điểm... là điều bất khả thi:
Nếu mọi thứ đều minh bạch như biển báo, vạch kẻ đường thì trừ điểm là tốt, tôi cũng chạy xe gia đình nhiều, các lỗi tôi bị đều do bị sập bẫy... ví dụ tốc độ vượt khi xe xuống dốc, vượt xe trước khi xuất hiện vạch rồi nhung biển báo cho vượt lại nằm cách đó 100m, từ tốc độ cao xuống thấp hơn không nhìn thay biển báo tốc độ.
Hạ tầng giao thông ở Việt Nam, đặc biệt là các đô thị như Hà Nội, TP HCM mà bắt mấy lỗi lấn làn và vượt đèn đỏ thì một ngày phải kéo dài thành 30 giờ. Hiện tại áp lực của tài xế lái xe trên đường Việt Nam rất lớn, nếu làm căng quá thì khả năng ùn tắc giao thông vĩnh viễn không giải quyết được.
Ở Hà Nội và TP HCM đối với những tài xế mới (thậm chí với cả những lái nhiều kinh nghiệm), dù không cố tình nhưng vẫn không thể không mắc lỗi, vì quá nhiều biển báo và có những biển khó nhìn.
Ví dụ biển cấm xe ôtô ở đường Trần Hữu Tước (Hà Nội), đi trên đường Tây Sơn không thấy biển báo, đến lúc rẽ phải vào thì thấy có một biển báo nhưng không nhìn thấy nội dung cấm xe ôtô nếu bạn đi xe thấp vì bị mái xe che mất.
Ngoài ra cần tăng điểm lên, đừng để con số 12 điểm tương đương với 12 tháng. Nước ngoài họ để 12 điểm vì đường phố của họ thông thoáng, dễ đi hơn ở Hà Nội và TP HCM.
Muốn áp dụng chế tài với người lái xe. Trước tiên nên kiêm tra đồng bộ về hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông, và luật giao thông cách bố trí cắm bảng hiệu giao thông. Nói chung còn bất cập với phương tiện giao thông.
Độc giả Nguyễn Trường Giang cho rằng chỉ cần xử lý nghiêm người vi phạm theo mức phạt hiện có là đủ:
Tôi rất lên án các hành vi thiếu ý thức, không chấp hành luật lệ giao thông. Nhưng nếu như thế thì không công bằng, trong khi các loại văn bằng khác không bị áp dụng chế tài này.
Tôi nghĩ chỉ cần thực thi nghiêm khắc các chế tài đối với hành vi vi phạm giao thông hiện hành và tăng nặng các hình phạt gây chết người (khởi tố hình sự tội giết người) ví dụ như hành vi uống rượu bia hoặc sử dụng chất kích thích gây tai nạn hoặc vượt đèn đỏ vì hành vi này khả năng gây tai nạn rất cao nhưng xử lý rất nhẹ.
Độc giả TMH:
Cá nhân tôi ủng hộ việc xử phạt nghiêm người coi thường luật giao thông. Tuy nhiên muốn xử phạt có tính thuyết phục thì phải đảm bảo các yếu tố ảnh hưởng đến nó. Đơn cử hạ tầng giao thông đô thị chưa đồng bộ, các phương tiện công cộng chưa đáp ứng được về cả chất và lượng, cơ chế quản lý lực lượng CSGT còn chưa minh bạch, rõ ràng, dễ phát sinh tiêu cực trong quá trình thực thi nhiệm vụ, gây mất lòng tin của người dân và không đảm bảo công bằng xã hội.
Y thức của nhiều người đi xe đạp, xe máy tham gia giao thông còn kém (lấn làn, lạn lách, vượt đèn đỏ...), việc quản lý xe dịch vụ còn kém và chưa có chế tài xử phạt có tính chất răn đe, đâu đó còn bị bỏ qua (xe khách phóng nhanh, xe chở vật liệu xây dựng vi phạm)... Giải quyết được những vấn đề này rồi hãy nghĩ đến phạt người dân theo kiểu trừ điểm thế này. Căn cứ vào đâu để đặt ra con số 12 điểm cũng như việc trừ 5, 6 điểm là thỏa đáng? Nếu cơ quan chức năng có điểm để trừ thì những bất cập còn tồn tại tương ứng bao nhiêu điểm?
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.