Trước đề xuất này, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu Bộ Tư pháp, Kế hoạch & Đầu tư, Tài chính, Quốc phòng và Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) cho ý kiến. Đồng thời, Bộ Giao thông vận tải phải giải trình, làm rõ việc điều chuyển các doanh nghiệp cảng từ Vinalines về UBND tỉnh có thuận lợi gì cho việc cổ phần hóa Tổng công ty, các doanh nghiệp cảng và quản lý các cảng này.
Sau khi tổng hợp ý kiến, Bộ Giao thông vận tải sẽ báo cáo lên Thủ tướng, gửi các Bộ và UBND tỉnh Khánh Hòa, Cà Mau.
Việc xin nhận cảng Nha Trang từ Vinalines đã được UBND tỉnh Khánh Hòa đề xuất lên Chính phủ từ năm 2012 nhằm tạo thuận lợi cho việc chuyển công năng từ cảng xếp dỡ hàng hóa sang cảng du lịch quốc tế vào năm 2014. Tuy nhiên, khi đó đề nghị này đã bị bác bỏ.
Sang năm 2013, UBND tỉnh Khánh Hòa tiếp tục trình đề xuất này lên Bộ Giao thông vận tải và đã được Bộ chấp thuận về chủ trương. Tỉnh Khánh Hòa cũng sẽ bố trí ngân sách để hỗ trợ một phần kinh phí Vinalines đã đầu tư xây dựng cảng Nha Trang.
Theo Quy hoạch tổng thể hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020 định hướng đến năm 2030, cảng Nha Trang sẽ chuyển thành bến đón khách du lịch, tiếp nhận tàu du lịch quốc tế. Cảng Nha Trang hiện rộng 20m, cho phép cập tàu có trọng tải 20.000 DWT. Trong khi đó, cảng Cam Ranh đang là khu bến chính cho tàu chở container có trọng tải từ 30.000 - 50.000 DWT.
Với cảng Năm Căn (Cà Mau), theo Thanh Niên, ngày 2/7 vừa qua UBND tỉnh đã có văn bản đề nghị Thủ tướng, Bộ Giao thông vận tải và Vinalines xem xét chuyển giao cho tỉnh quản lý và đầu tư, khai thác. Nguyên nhân chủ yếu do tình hình tài chính của Công ty TNHH MTV cảng Năm Căn (thuộc Vinalines) khó khăn nên tiến độ xây dựng cảng rất chậm, trong khi Cà Mau đã tìm được nhà đầu tư mới có đủ khả năng về vốn.
Trước đó, theo đề án tái cơ cấu Vinalines, 3 doanh nghiệp cảng trên đều thuộc đối tượng sẽ phải cổ phần hóa, trong đó Vinlines sẽ nắm 75% vốn tại cảng Nha Trang, Cam Ranh và 50-65% vốn tại Năm Căn.
Huyền Thư