Tổ chức Sáng kiến Tình hình Chiến lược Biển Đông (SCSPI) thuộc Viện Nghiên cứu Đại dương Đại học Bắc Kinh, hôm qua cho biết số chuyến bay của trinh sát cơ Mỹ ở Biển Đông trong tháng 11 tăng gần 30% so với mức kỷ lục 75 chuyến được ghi nhận hồi tháng 2. SCSPI bắt đầu báo cáo dữ liệu này từ tháng 6/2019.
80% hoạt động trong tháng 11 có sự tham gia của máy bay tuần thám P-8A. Các máy bay khác tham gia nhiệm vụ là máy bay không người lái (UAV) MQ-4C và trinh sát cơ mặt đất E-8C.
Theo SCSPI, Mỹ đã thực hiện số chuyến bay do thám gần Trung Quốc cao nhất trong một ngày khi điều 10 trinh sát cơ bay trên Biển Đông ngày 4/11, trong lúc nhóm tác chiến tàu sân bay USS Carl Vinson đi qua khu vực.
SCSPI cũng cho biết trinh sát cơ Mỹ mở rộng phạm vi trinh sát trong tháng 11, trích dẫn chuyến bay qua eo biển Đài Loan của máy bay tuần thám P-8A ngày 29/11. "Trong quá trình hoạt động, máy bay chỉ cách đường cơ sở của lãnh hải lục địa Trung Quốc khoảng 15,91 hải lý (29,46km)", SCSPI cho hay.
Dữ liệu về hoạt động của trinh sát cơ Mỹ được SCSPI tổng hợp từ hệ thống thu phát tín hiệu tự động ADS-B và có thể không ghi nhận được những chuyến bay bí mật, trong đó phi cơ không bật thiết bị định vị. Do đó, SCSPI lưu ý số lượng nhiệm vụ do thám của Mỹ tháng trước có thể cao hơn số liệu họ thu thập được.
Bộ Quốc phòng Mỹ hiện chưa bình luận về thông tin trên.
Mỹ gia tăng tần suất hoạt động của trinh sát cơ trong bối cảnh căng thẳng ở eo biển Đài Loan leo thang và Trung Quốc đẩy mạnh hoạt động quân sự gần đảo Đài Loan. Trung Quốc luôn tuyên bố Đài Loan là phần lãnh thổ chờ thống nhất và không loại trừ khả năng sử dụng vũ lực.
Mỹ cũng nhiều lần phản đối các tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc trong khu vực, cáo buộc nước này quân sự hóa Biển Đông và đe dọa các nước láng giềng như Việt Nam, Malaysia và Philippines. Giới quan sát hồi tháng hai nhận định hoạt động của Mỹ ở Biển Đông cho thấy chính quyền Tổng thống Joe Biden sẽ không thu hẹp quy mô hoạt động thách thức yêu sách của Trung Quốc tại Biển Đông.
Huyền Lê (Theo SCMP)