Trinh sát cơ RC-135W và một máy bay tuần thám săn ngầm P-8A của Mỹ hôm 21/4 tuần tra tại Biển Đông trong lúc quân đội Trung Quốc tổ chức diễn tập bắn đạn thật ở khu vực này, theo tổ chức Sáng kiến Tình hình Chiến lược Biển Đông (SCSPI) có trụ sở tại Bắc Kinh. Chưa rõ vị trí quân đội Trung Quốc diễn tập bắn đạn thật tại Biển Đông.
SCSPI cho hay phi cơ RC-135W trước đó một ngày cũng thực hiện chuyến bay "gần bất thường" dọc theo bờ biển phía đông của Trung Quốc, trong phạm vi 40 hải lý từ thành phố Thanh Đảo, nơi đặt sở chỉ huy hạm đội Bắc Hải của hải quân Trung Quốc.
Trong cả hai đợt tuần tra, chiếc RC-135W này đều "biến mất" khỏi dữ liệu radar giám sát công khai khi bay qua khu vực phía đông tới phía bắc quần đảo Hoàng Sa, có thể do phi công tắt thiết bị phát đáp, hệ thống cung cấp dữ liệu vị trí của phi cơ với cơ quan quản lý hàng không dân dụng. Quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép và tiến hành các hoạt động quân sự hóa phi pháp.
Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) cho biết các chuyến bay gần bờ biển cho phép trinh sát cơ Mỹ bắt tín hiệu điện tử trên đất liền để thu thập thông tin tình báo về quân đội Trung Quốc trong thời gian ngắn nhất và hiệu quả nhất. Các chuyến bay hồi tuần trước của trinh sát cơ Mỹ diễn ra trong lúc nhóm tác chiến tàu sân bay Liêu Ninh diễn tập gần đảo Đài Loan.
Lầu Năm Góc chưa bình luận về thông tin này.
Trung Quốc hồi tháng 8/2020 bày tỏ phản đối khi một trinh sát cơ Mỹ di chuyển vào vùng cấm bay mà Bắc Kinh thiết lập cho một cuộc diễn tập trên Hoàng Hải. Một tháng sau, Trung Quốc cáo buộc máy bay Mỹ "giả dạng máy bay dân dụng" trong các nhiệm vụ trinh sát gần bờ, gây ra "mối đe dọa an ninh nghiêm trọng".
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cho biết hoạt động ngụy trang của máy bay Mỹ là "thủ đoạn phổ biến" và không quân nước này áp dụng phương thức trên "ít nhất 100 lần trong năm 2020".
Mỹ gần đây tăng cường các chuyến bay trinh sát ở khu vực biển Hoa Đông, Biển Đông và eo biển Đài Loan trong bối cảnh Trung Quốc tăng cường hoạt động quân sự tại các khu vực này, đồng thời gây sức ép trên nhiều mặt với đảo Đài Loan.
Nhóm tác chiến tàu sân bay USS Theodore Roosevelt ngày 6/4 tiến vào Biển Đông, hai ngày sau đó nhóm tác chiến đổ bộ USS Makin Island vào khu vực này. Các nhóm chiến hạm Mỹ hội quân trên Biển Đông hôm 9/4 và rời khu vực hồi tuần trước. Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc hôm 16/4 di chuyển xuống phía nam đảo Hải Nam, vài ngày sau khi tàu sân bay Mỹ rời khỏi khu vực.
Căng thẳng tại Biển Đông gia tăng từ ngày 7/3, khi hàng trăm tàu Trung Quốc neo đậu tại bãi Ba Đầu trong lãnh hải đảo Sinh Tồn Đông thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, kết thành hàng dài mà không đánh bắt dù thời tiết thuận lợi.
Philippines, bên cũng tuyên bố chủ quyền với bãi Ba Đầu, cáo buộc đội tàu này do dân quân biển Trung Quốc điều khiển. Trung Quốc bao biện các tàu này "neo đậu để tránh thời tiết xấu". Nhiều nước đã lên tiếng bày tỏ lo ngại tình hình căng thẳng mới ở khu vực và phản đối động thái mang tính đe dọa của đội tàu Trung Quốc.
Việt Nam khẳng định hoạt động của các tàu Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, vi phạm luật pháp quốc tế, yêu cầu Trung Quốc chấm dứt vi phạm, tôn trọng chủ quyền của Việt Nam.
Sau khi vấp phải phản ứng quyết liệt của cộng đồng quốc tế và các bên liên quan, nhóm tàu Trung Quốc đã rút khỏi bãi Ba Đầu, tỏa ra các thực thể khác ở quần đảo Trường Sa, chỉ còn lại một số ít tàu xuất hiện ở bãi đá này.
Nguyễn Tiến (Theo SCMP)