Một cảnh trong vở Đi tìm điều không mất. |
- "Đi tìm điều không mất" là câu chuyện không mới về đề tài hậu chiến. Anh làm thế nào để tạo sự mới mẻ cho vở diễn này?
- Tôi nghĩ đề tài tình yêu và những vấn đề hậu chiến là muôn thuở trong văn học nghệ thuật và sẽ còn là mảng đề tài tiếp tục được quan tâm ở một đất nước trải qua 2 cuộc chiến tranh như ở nước ta. Vấn đề là mỗi loại hình nghệ thuật tìm cách thể hiện sao cho phù hợp, ở đây với chúng tôi là kể câu chuyện bằng ngôn ngữ sân khấu. Trong vở diễn, tôi sử dụng đám đông quần chúng không chỉ là chất xúc tác mà đưa họ trở thành những nhân vật trung tâm vừa vô hình, vừa hữu hình. Khi họ ồn ào đi từ dưới hàng ghế khán giả bước lên sân khấu với những lời bình phẩm tốt xấu về con người những hoàn cảnh thì họ chính là những người đại diện cho dư luận. Trong vở kịch, tôi cũng có sự thay đổi nho nhỏ là không tắt đèn, không chuyển cảnh khi hết lớp diễn.
- Vì sao anh lại cho thiết kế sân khấu với mô hình chiếc xe cảnh sát có thể xoay chuyển được, có đèn pha, vô lăng đặt nằm ngay trên con đường đồi giữa một bên là căn nhà tranh và bên kia là UBND huyện?
- Nội dung vở diễn là câu chuyện gần với cuộc sống nên tôi muốn trang trí gần như tả thực, tạo cảm giác câu chuyện chân thật và gần gũi với người xem. Nhưng khó cho người làm nghề hiện nay là mặc dù khoa học kỹ thuật tiến bộ, công nghệ phát triển từng giờ nhưng vẫn chưa được vận dụng. Ví dụ ở vở này, nếu là sân khấu quay sẽ tạo nên sự hấp dẫn khi thể hiện cảnh ôtô chạy, còn phông hậu giá như là màn hình kỹ thuật số thì ôtô chuyển động, trên màn hình sẽ hiện lên các hình ảnh cảnh quan lùi về phía sau xe như ta vẫn thấy trên phim.... Như vậy, chắc chắn sẽ tác động mạnh đến cảm giác của khán giả. Đó cũng là một yếu tố góp phần lôi cuốn người xem. Lúc đầu chúng tôi cũng định đưa một chiếc xe thật lên sân khấu nhưng chi phí không cho phép và sân khấu của Nhà hát thì hẹp quá. Tôi nghĩ, lợi thế của sân khấu là người sáng tạo và người thưởng thức đồng hiện, có sự đồng cảm và giao hòa trực tiếp, trí tưởng tượng của người xem được bay bổng cùng với sức diễn của diễn viên. Rất tiếc, những lợi thế như vậy chưa kết hợp với các ngành khoa học kỹ thuật khác để cùng phát huy.
- Trên thực tế vở diễn "Đi tìm điều không mất" cũng đã được đầu tư khá chu đáo và dàn dựng công phu nhưng vẫn không tránh khỏi cảnh đìu hiu vì vắng khán giả, có phải anh không chịu khó tiếp thị?
- Thì chúng tôi cũng đã làm mọi cách rồi, quảng cáo rầm rộ trên báo chí và truyền hình. Người của Nhà hát đến tận các cơ quan, đoàn thể mời mua vé xem nhưng họ bảo chưa có quy định khoản nào là chi cho việc đi xem văn nghệ của cán bộ công nhân viên, vậy là chết chúng tôi rồi. Theo tôi, cần phải đầu tư cho cả khán giả và tôi cho rằng đó là vấn đề không kém phần quan trọng. Chúng ta cần tạo điều kiện hơn nữa để người lao động được thưởng thức văn hóa nghệ thuật và tôi nghĩ giữ được văn hóa của mình chính là ở những người thưởng thức chứ không chỉ ở những người làm nghề.
(Theo Thể Thao Văn Hóa)